Image Image Image Image Image Image Image Image Image Image
Danh mục
x

huongnghiep.hocmai.vn | April 18, 2024

Scroll to top

Top

Các cách để học ngành yêu thích khi không đủ điểm đỗ

Nhiều học sinh và phụ huynh nghĩ rằng, để đỗ được ngành học tại ngôi trường yêu thích chỉ có một cách duy nhất đó là thí sinh phải đáp ứng được một trong các điều kiện tuyển sinh đầu vào của trường. Nhưng nhiều người không biết rằng, thí sinh không đủ năng lực để trúng tuyển ngành yêu thích vẫn có cơ hội học đúng ngành đúng trường bằng cách Học song bằng.

Cách để học ngành yêu thích khi không đủ điểm đỗ

Xem thêm: Cẩm nang chọn ngành cho con gái khối D

1. Học song bằng là gì?

Học song bằng là một khái niệm không xa lạ gì với các bạn sinh viên, nhưng đối với học sinh lớp 12 chuẩn bị bước vào kỳ thi đại học có lẽ còn khá mới mẻ. Vậy học song bằng là gì?

Học song bằng là hình thức sinh viên có thể học 2 ngành cũng một lúc trong một trường đại học. Khi kết thúc chương trình học, sinh viên sẽ được nhận 2 bằng tốt nghiệp với 2 ngành khác nhau.

Vậy tại sao lại nói học song bằng là cách để học ngành yêu thích khi không đủ điểm đỗ? Sau đây là một ví dụ để các bạn học sinh dễ hiểu. Ví dụ năm 2021 bạn sinh viên A có nguyện vọng 1 vào ngành Quản trị nhân lực của Đại học Kinh tế quốc dân, nguyện vọng 2 vào ngành Hệ thống thông tin quản lý cũng của Đại học Kinh tế quốc dân (A thích ngành Quản trị nhân lực  hơn). Tuy nhiên, năm 2021 điểm chuẩn ngành Quản trị nhân lực của Đại học Kinh tế quốc dân là 27.7, ngành Hệ thống thông tin quản lý là 27.5 điểm. Điểm thi của A là 27.5 điểm, nên A chỉ đủ điểm đỗ vào ngành Hệ thống thông tin quản lý

Vậy làm cách nào để A có thể vẫn được học ngành Quản trị nhân lực trong khi không đủ điểm đỗ? Câu trả lời chính là: Học song bằng. Sinh viên A có thể học ngành Hệ thống thông tin quản lý đồng thời đăng ký ngành Quản trị nhân lực bắt đầu từ năm học thứ 2 đại học. Vậy là A khi ra trường A vừa có bằng cử nhân Hệ thống thông tin quản lý và cử nhân Quản trị nhân lực mà mình yêu thích.

2. Điều kiện để học song bằng?

Điều kiện để tiên quyết để các em có thể học song bằng chính là phải đủ điểm đỗ vào trường và theo học một ngành học chính ở trường đại học đó.

Để đảm bảo chất lượng đào tạo, mỗi trường đại học đều có những quy định riêng về việc học song bằng của sinh viên. Như, sinh viên phải đảm bảo chương trình thứ nhất trong 2 kỳ liên tiếp đạt từ khá trở lên (các em có thể tìm hiểu chi tiết về quy định của từng trường).

Ví dụ như trường Đại học Kinh tế quốc dân nhà trường đưa ra quy chế đối với những sinh viên học song bằng như sau:

– Ngành đạo tạo chính ở chương trình thứ 2 phải khác với ngành đào tạo chính ở chương trình thứ 1

– Sinh viên chỉ được đăng ký một chương trình thứ 2 (không được thay đổi chương trình học đã đăng ký

– Sinh viên hệ đại học chính quy của Trường, sau khi đã kết thúc học kỳ thứ nhất năm học đầu tiên của chương trình thứ 1; điểm Trung bình chung tính từ đầu khóa học đạt từ 2.0 trở lên (tính theo thang điểm 4 – tương đương 5,0 thang điểm 10) và đã tích luỹ được tối thiểu số tín chỉ theo quy định

– Thời gian đào tạo ở chương trình thứ hai: Tuỳ theo khả năng học tập, tình hình tài chính và sức khỏe, sinh viên được rút ngắn tối đa 1 năm học hoặc kéo dài tối đa 2 năm học; song thời gian đào tạo tối đa cho của hai chương trình không vượt quá thời gian thiết kế cho chương trình thứ 1.

– Số tín chỉ tối đa mà sinh viên đăng ký học chương trình hai không được vượt quá số tín chỉ tối đa của mà sinh viên được phép đăng ký mỗi học kỳ cộng thêm 5 tín chỉ cho chương trình hai.

-….vv

Xem thêm: Review Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU): Ngôi trường danh giá và xuất sắc bậc nhất Việt Nam

Nhằm tránh trường hợp sinh viên chỉ học ngành thứ 2 mà bỏ bê ngành chính, các trường có quy định sinh viên phải tốt nghiệp ngành chính mới có thể tốt nghiệp ngành thứ 2. Đây là điều kiện bắt buộc.

Như ví dụ về sinh viên A ở trên, trong trường hợp A vì quá tập trung học Quản trị nhân lực mà bỏ bê ngành chính của mình là Hệ thống thông tin quản lý. Nếu A không tốt nghiệp được ngành Hệ thống thông tin quản lý thì ngành Quản trị nhân lực của A sẽ không được tốt nghiệp, dù A có được học lực giỏi của Quản trị nhân lực.

Đối với các trường thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội hoặc ĐH Quốc gia TP.HCM, sinh viên không chỉ có cơ hội học song bằng đối với các ngành khác của trường đó. Mà còn được học song bằng với các ngành khác của các trường Đại học trong cùng hệ thống.

Như trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) năm 2020, yêu cầu những sinh viên học song bằng chỉ cần đảm bảo mức điểm của chương trình thứ nhất từ khá trở lên sẽ có cơ hội học song bằng chương trình học tương đương của trường thành viên khác. Ví dụ: Các sinh viên học về Khí tượng thuỷ văn Hải dương học nếu có thiên hướng về công nghệ thông tin có thể đăng ký học thêm kiến thức về Công nghệ thông tin của trường Đại học Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội).

3. Học song bằng có ưu và nhược điểm gì?

Ưu điểm:

– Tiết kiệm thời gian: Thí sinh học song bằng sẽ tiết kiệm thời gian hơn so với những người học 2 văn bằng trong cùng trong thời gian còn là sinh viên (người học văn bằng 2 có thể là những người đã tốt nghiệp đại học, đi làm và tiếp tục quay lại học văn bằng 2). Các sinh viên học song bằng ngay từ khi còn trên ghế nhà trường có thể tận dụng nhiều môn học trùng, của chương trình thứ nhất và không phải học thêm ở chương trình thứ hai. Phần lớn môn học của chương trình thứ 2 sẽ chỉ còn những môn chuyên ngành. Nếu chăm chỉ, chỉ với thời gian 4 hoặc 5 năm học, sinh viên học song bằng khi ra trường sẽ có được 2 bằng tốt nghiệp thay vì chỉ 1 bằng so với những sinh viên khác.

– Giá trị bằng thứ 2 tương đương với bằng thứ nhất: Quay lại với ví dụ của sinh viên A, khi ra trường tấm bằng cử nhân Quản trị nhân lực của A sẽ là bằng đại học chính quy, có giá trị tương đương với những sinh viên học ngành Quản trị nhân lực chính thức của Đại học Kinh tế quốc dân, và cũng có giá trị tương đương với ngành Hệ thống thông tin quản lý mà A học chính thức.

– Tăng cơ hội việc làm khi ra trường: Nhờ việc giá trị học song bằng tương đương với bằng chính quy mà những sinh viên học song bằng có cơ hội học hỏi đa dạng về ngành học, mở rộng kiến thức, cơ hội việc làm tăng cao. Như trường hợp của sinh viên A, ví dụ khi ra trường A làm Hệ thống thông tin quản lý cho công ty B, A sẽ rất dễ dàng làm công tác quản trị/quản lý nhân sự hệ thống thông tin nếu được thăng cấp tại công ty B.

Nhược điểm:

– Thời gian học bận rộn: Nghe có vẻ mâu thuẫn với ý “tiết kiệm thời gian” ở phần Ưu điểm, nhưng thực ra không hề mâu thuẫn. Việc thời gian bận rộn ở đây là xét trên phương diện so với những sinh viên khác chỉ học một văn bằng. Thay vì chỉ học ban ngày, sinh viên học song bằng sẽ phải tham gia một vài lớp học tối của chương trình thứ 2 để đảm bảo lịch học không bị chồng chéo với chương trình 1.

– Áp lực học tập tăng cao: Đến kỳ thi, sinh viên học văn bằng 2 cũng phải ôn thêm 2 – 3 môn của chương trình thứ 2. Điều này vô hình chung tạo nên áp lực học tập đối với sinh viên. Chính vì vậy, các trường Đại học mới ra quy định về học lực của sinh viên phải đảm bảo để đủ điều kiện học 2 chương trình.

– Tốn nhiều chi phí hơn: Chương trình học trên đại học tính học phí theo từng tín chỉ (một học phần chia thành 2 hoặc 3 tín chỉ). Khi lựa chọn học song bằng, sinh viên sẽ phải học nhiều tín chỉ hơn một chương trình học chính quy. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu học song bằng, sinh viên cần đóng học phí nhiều hơn đối với sinh viên chỉ học một chương trình duy nhất.

– Tốt nghiệp muộn hơn những sinh viên khác: Như đã nói ở phần ưu điểm, thời gian học song bằng sẽ mất từ 2 – 2,5 năm để hoàn thành chương trình thứ 2. Vậy nên trong khi các bạn học khác đã ra trường, đi làm thì sinh viên học song bằng hằng ngày vẫn chăm chỉ tới lớp để học.

Nửa năm hoặc một năm là khoảng thời gian đủ để một người tích lũy vô vàn kinh nghiệm khi đi làm. Tuy nhiên không phải tất cả sinh viên ra trường đều có thể tìm kiếm được một công việc như ý muốn. Đầu tư thêm nửa năm hay một năm nữa để mở mang kiến thức chuyên ngành, học ngành học mà mình yêu thích, có cơ hội tốt trong công việc cũng là một sự đầu tư xứng đáng. Vậy nên, các em học sinh thân mến! Nếu như thời gian tới các em không đủ điểm để đỗ vào ngành học mình yêu thích, cũng đừng vội nản. Vì các em vẫn còn phương án học song bằng, với ngành mình mơ ước.

(Lưu ý: Chỉ nên áp dụng với các trường kinh tế, kỹ thuật)

Tin tức mới nhất