Tốt nghiệp THPT 2025: Xu hướng xét kết quả của kỳ thi riêng có độ lớn và uy tín cao
Thay đổi phương án thi tốt nghiệp 2025, kết quả của một số kỳ thi như đánh giá năng lực, đánh giá tư duy có độ tin cậy cao được các trường ĐH tập trung sử dụng.
Mục lục
1. Các trường đại học không bị ảnh hưởng nhiều từ phương án thi tốt nghiệp mới
Ngày 28/11, Theo công bố Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ký Quyết định số 4068/QĐ-BGDĐT phê duyệt phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Theo đó, sẽ chốt phương án thi tốt nghiệp THPT 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc và 2 môn thí sinh được lựa chọn nằm trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (như Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, công nghệ).
Nội dung thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ bám sát mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đề thi theo hướng tăng cường đánh giá năng lực, phù hợp với quy định và lộ trình triển khai chương trình mới. Từ sự thay đổi này cũng sẽ đặt ra yêu cầu mới và những điều chỉnh nhất định đối với công tác tuyển sinh của các trường đại học.
Theo thông tin lãnh chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Triệu – Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: Năm nay, về phương thức tuyển sinh trường vẫn sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xét tuyển tổ hợp thuần 3 môn và kết hợp điểm thi với IELTS như trước đây. Tuy nhiên, nhà trường sẽ tăng dần các các hình thức xét tuyển kết hợp (trong đó sử dụng chủ yếu điểm thi đánh giá năng lực/ đánh giá tư duy) giảm dần xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Qua đó có thể nhận định, phương thức thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố không làm ảnh hưởng đến định hướng này của trường”.
Bên cạnh đó, không chỉ Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, mà nhiều trường đại học hiện nay cũng đều có xu hướng ổn định trong phương thức tuyển sinh của mình.
2. Xu hướng sử dụng kết quả của một số kỳ thi có độ tin cậy cao, chất lượng tốt thay vì các trường mở rộng kỳ thi đánh giá riêng
Trong những năm gần đây, ngoài phương thức xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, các kỳ thi riêng là xu hướng được nhiều trường ĐH lựa chọn tổ chức xét tuyển nhằm góp phần nâng cao chất lượng đầu vào đại học như: Kỳ thi đánh giá như đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (HSA), kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (APT), hay kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội (TSA),…
Với xu hướng trên, nhiều ý kiến cho rằng, các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy đã được khôi phục và mở rộng, các trường đại học sẽ đẩy mạnh tuyển sinh bằng các kỳ thi riêng này. Tuy nhiên, dựa trên quan điểm của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Triệu – Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thầy chia sẻ: “Tôi tin sẽ không có việc các trường mở rộng kỳ thi riêng, mà xu hướng sẽ tập trung sử dụng kết quả của một số kỳ thi về đánh giá năng lực, đánh giá tư duy lớn, có độ tin cậy cao, chất lượng tốt như HSA, APT, TSA…”.
Qua đó cho thấy, việc thay đổi phương án thi tốt nghiệp 2025 không gây ảnh hưởng nhiều đến các phương thức tuyển sinh của các trường ĐH. Đồng thời, cũng giúp các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy được khẳng định về chất lượng cũng như mang đến cho sinh viên có nhiều cơ hội xét tuyển, các trường đại học tuyển chọn những thí sinh đầu vào chất lượng cao.
(Theo Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam)