Nhiều trường ĐH đề xuất tăng độ khó của đề thi tốt nghiệp THPT 2022
Là phương thức vẫn chiếm phần lớn chỉ tiêu xét tuyển đại học, tuy nhiên độ phân hóa của đề thi tốt nghiệp THPT trong vài năm gần đây được giới chuyên môn đánh giá là chưa cao. Đợt tuyển sinh năm 2022 này, nhiều trường ĐH đã đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng độ phân hóa của đề thi, điều này giúp các trường có sơ sở yên tâm hơn trong việc xét tuyển bằng phương thức này. Điển hình như sau:
Xem thêm: Một số yêu cầu mới đối với phương thức xét học bạ năm 2022
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức (Trưởng ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng: “Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2017, 2018 có mức độ phân hóa tương đối tốt, các trường có thể yên tâm dựa vào kết quả này để xét tuyển. Tuy nhiên từ năm 2020-2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh, tính phân hóa giảm, không đảm bảo khi xét tuyển đại học. Hy vọng trong năm 2022, Bộ GD-ĐT tiếp tục xây dựng đề thi có tính phân hóa cao hơn, đảm bảo các trường có thể sử dụng kết quả này để xét tuyển”.
Về phía PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi (Trưởng phòng Đào tạo ĐH Y dược TP.HCM) cũng cho rằng, trong bối cảnh các trường đại học được tự chủ tuyển sinh, đã có nhiều phương thức tuyển sinh được đưa ra. Tuy nhiên, do hoàn cảnh dịch Covid – 19 vẫn hết sức phức tạp, nhiều trường gặp khó khăn trong việc tổ chức các kỳ thi riêng. Chính vì vậy, việc sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT 2022 vẫn là phương án được phần đông các trường đại học sử dụng. Do đó, ông Khôi đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo cần ra đề thi tăng tính phân hóa để làm cơ sở tuyển sinh đầu vào cho các trường đại học, nhất là những trường trong khối ngành Y – dược.
Tương tự, GS.TS Nguyễn Hữu Tú (Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội) cũng cho biết: Các trường trong khối ngành sức khỏe chưa thể tổ chức họp để thống nhất về phương thức tuyển sinh do tình hình dịch bệnh. Về phía ĐH Y Hà Nội vẫn xác định sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT 2022 là phương thức chính. Trong tình hình có đến trên 50% chỉ tiêu xét tuyển đại học dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, ông Tú cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần giữ vai trò chỉ đạo trong khâu ra đề và tổ chức thi. Điều này để đảm bảo độ tin cậy cũng như tính phân loại của thí sinh, là cơ sở để các trường đại học yên tâm sử dụng điểm của kỳ thi này xét tuyển.
Theo số liệu thống kê trước đó, trong năm 2021, số lượng thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT là hơn 1 triệu thí sinh. Trong đó có 795.356 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng sư phạm. Riêng với phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT chiếm 57,26%, với các phương thức khác là 42,74%.
(Theo thông tin tại Hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành mầm non năm 2022)