Review ngành Giáo dục Tiểu học: Học ở đâu? Ra trường làm gì? Lương có cao không?
Các trường tiểu học dân lập, tư thục và quốc tế mở ra càng nhiều khiến cơ hội của ngành Giáo dục Tiểu học ngày càng rộng mở. Vậy bạn đã hiểu được bao nhiêu về ngành này rồi? Học ở đâu? Học xong làm gì? Có đơn thuần chỉ đi “gõ đầu trẻ”? Để giải đáp những câu hỏi trên, hãy cùng Hocmai.vn tìm hiểu nhé!
Mục lục
1. Tìm hiểu về ngành Giáo dục Tiểu học
Ngành Giáo dục Tiểu học còn có tên khác là Sư phạm Tiểu học (tên tiếng Anh là Primary Education) chuyên đào tạo cử nhân của Giáo dục Tiểu học để đáp ứng nhu cầu đổi mới của chương trình tiểu học trong thời đại mới. Đây cũng được coi là cấp học quan trọng trong chương trình giáo dục bắt buộc ở Việt Nam. Đây là giai đoạn đầu tiên trong hành trình tiếp thu tri thức của trẻ trước sau khi học mầm non và trước khi vào bậc THCS.
Các sinh viên theo ngành Giáo dục Tiểu học sẽ được đào tạo các kỹ năng, kiến thức và phẩm chất nghề nghiệp để tham gia giảng dạy các môn học cho học sinh Tiểu học. Sau khi hoàn thành chương trình học, bạn sẽ có khả năng lập và tiến hành quá trình dạy học; năng lực áp dụng các phương pháp, phương tiện và hình thức tổ chức dạy các bộ môn; năng lực phát triển chương trình môn học; năng lực đánh giá trong giáo dục; năng lực quản lý, xây dựng và sử dụng hồ sơ dạy học,…
2. Cơ hội việc làm nào cho sinh viên ngành Giáo dục Tiểu học?
Trong thời buổi hiện nay, ngành Giáo dục Tiểu học được đánh giá là thiếu nhân lực trầm trọng trên cả nước, vì thế cơ hội việc làm vô cùng mở rộng. Ngoài ra, các trường tư thục, trường quốc tế mở ra ngày càng nhiều cũng mang đến nhiều cơ hội việc làm cho ngành này. Vì thế mà cơ hội việc làm không còn bó gọn trong các trường công lập như trước kia mà mở rộng ơn rất nhiều. Sau khi tốt nghiệp ra trường, bạn có thể đảm nhận các công việc:
– Giáo viên ở các trường Tiểu học trên khắp cả nước. Vì cấp Tiểu học nằm trong chương trình giáo dục bắt buộc nên luôn cần nguồn nhân lực lớn. Đây cũng là lựa chọn của đa phần các bạn trẻ hiện nay. Ngoài ra các trường quốc tế và tư thục mở ra cũng là lựa chọn hấp dẫn cho bạn.
– Làm cán bộ quản lý ở các cơ quan quản lý giáo dục
– Tham gia nghiên cứu ở các viện và trung tâm nghiên cứu về phát triển giáo dục
– Làm chuyên viên ở các tổ chức phi chính phủ liên quan đến giáo dục
– Tham gia công tác tại các bộ phận cao trong khối ngành giáo dục và trở thành cán bộ nòng cốt sau này. Đây là lựa chọn rất hấp dẫn nếu bạn học lên cao hơn như Thạc sĩ, Tiến sĩ, Giáo sư,…
Nhìn chung cơ hội việc làm của ngành Giáo dục Tiểu học vô cùng rộng mở và da dạng với khối lượng tuyển dụng rất lớn. Vì thế đây là ngành luôn hấp dẫn được nhiều bạn sinh viên. Công việc trong ngành cũng được đánh giá là ổn định không bấp bênh và cơ hội thăng tiến tốt.
3. Thu nhập của ngành Giáo dục Tiểu học có cao không?
Mức lương bao nhiêu luôn là điều được các bạn trẻ quan tâm trước khi quyết định theo học một ngành nghề nào đó. Nếu như bạn tham gia giảng dạy tại các cơ sở công lập theo biên chế thì thu nhập sẽ tính theo quy định hiện hành. Thu nhập của bạn sẽ tăng theo số năm làm nghề và bằng cấp của bạn.
Đối với những giáo viên dạy trong môi trường dân lập và quốc tế, mức lương sẽ dao động từ 5 triệu đến 15 triệu đồng. Mức lương cụ thể cũng phụ thuộc vào năng lực chuyên môn, kinh nghiệm giảng dạy và vị trí của bạn. Nhìn chung, thu nhập ở các trường Quốc tế sẽ cao hơn nếu bạn trau dồi được vốn ngoại ngữ tốt.
Với các vị trí khác, mức lương cũng tùy thuộc vào nơi làm việc và trình độ của bản thân. Nhưng nói chung thì thu nhập của ngành này tương đối ổn.
4. Tố chất cần cho ngành Giáo dục Tiểu học
Theo sự phát triển của kinh tế xã hội thì hệ thống giáo dục của nước ta luôn được đổi mới, cấp Tiểu học cũng vậy. Vì thế để công tác tốt trong môi trường Tiểu học, bạn cần có một số tố chất cần thiết:
– Yêu thích trẻ em
Đặc thù là công việc giảng dạy “gõ đầu trẻ”, vì thế bạn phải thường xuyên tiếp xúc với trẻ nhỏ. Do đó cần có sự yêu thích với các bé thì mới có thể gắn bó lâu dài với ngành này được. Bạn cũng cần phải biết cách chăm sóc và tôn trọng trẻ. Vì trẻ em Tiểu học còn khá bé nên vẫn cần đến sự giúp đỡ của giáo viên trong một số tình huống. Dù còn nhỏ nhưng các bé cũng đã có ý kiến riêng của mình vì thế bạn cần biết tôn trọng và lắng nghe những suy nghĩ đó.
– Sự tâm huyết và yêu nghề
Không chỉ ngành Giáo dục Tiểu học mà bất cứ ngành nào cũng đòi hỏi sự nhiệt huyết và yêu nghề. Khi làm giáo viên Tiểu học, bạn sẽ tiếp xúc với những trẻ có nhận thức tương đối thấp về nề nếp và các quy định trong lớp học. Bởi vậy có thể xảy ra một số tình huống nằm ngoài nhiệm vụ và chức trách của giáo viên nhưng giáo viên đứng lớp vẫn là người giải quyết các vấn đề liên quan đó. Nếu có sự yêu nghề và tâm huyết bạn sẽ có động lực để xử lý tốt và theo nghề lâu dài.
– Có đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm và lối sống lành mạnh
Là người trực tiếp truyền đạt tri thức nên mỗi giáo viên đứng trên bục giảng đều là tấm gương cho học sinh noi theo. Chính vì thế bạn cần có lối sống lành mạnh, phẩm chất đạo đức tốt, có thể hạn chế những ảnh hưởng không tốt đến trẻ.
– Kiên nhẫn, chăm chỉ, chịu áp lực tốt
Nhiều người lầm tưởng Giáo viên tiểu học rất nhàn, công việc “sáng đi tối về đến tháng lĩnh lương” nhưng thực tế công việc này cũng yêu cầu nhiều tâm huyết. Bạn cần soạn bài thường xuyên và luôn phải tìm tòi đổi mới phương pháp giảng dạy để giúp trẻ hiểu bài nhanh hơn và ghi nhớ lâu hơn. Sự kiên nhẫn luôn luôn cần thiết, không chỉ với học sinh mà còn với chính công việc và bản thân mình. Đôi lúc nghề này cũng gặp áp lực từ phía lãnh đạo và gia đình học sinh nên bạn cũng cần có tinh thần tốt để vượt qua khó khăn.
– Ý thức rèn luyện bản thân
Hàng năm các trường Tiểu học đều có đợt đào tạo bổ sung cho giáo viên theo sự đổi mới của ngành Giáo dục. Chính vì vậy mà bạn cũng cần có ý thức trong việc rèn luyện bản thân, nếu không thay đổi và phát triển thì bạn sẽ trở nên lạc hậu và lùi lại phía sau. Nhưng cũng đừng lo lắng nhé, chính sự thay đổi và phát triển sẽ giúp con người bạn đổi mới, bớt nhàm chán và cảm thấy yêu nghề hơn đấy!
5. Có những trường nào đào tạo ngành Giáo dục tiểu học?
Trên cả nước có rất nhiều trường đào tạo ngành Giáo dục Tiểu học. Dưới đây là danh sách các trường phân theo khu vực để bạn dễ lựa chọn hơn:
– Khu vực miền Bắc: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trường Đại học Thủ Đô Hà Nội, trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.
– Khu vực miền Trung: Trường Đại học Vinh, trường Đại học Sư phạm Huế, trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), trường Đại học Quy Nhơn, trường Đại học Quảng Nam, trường Đại học Tây Nguyên, trường Đại học Hà Tĩnh, trường Đại học Quảng Bình.
– Khu vực miền Nam: Trường Đại học Sư phạm TP HCM, trường Đại học Thủ Dầu Một, trường Đại học Sài Gòn, trường Đại học Đồng Nai, trường Đại học Cần Thơ, trường Đại học Đồng Tháp, trường Đại học An Giang.
Ngành Giáo dục Tiểu học là ngành rất thú vị và thích hợp với các bạn yêu trẻ và muốn trở thành Giáo viên trong tương lai. Với sự phát triển của Giáo dục sẽ mang lại nhiều cơ hội việc làm hơn, vậy nên bạn đừng ngần ngại đăng ký nguyện vọng để trở thành Giáo viên Tiểu học tương lai nhé!
Trong thời đại phát triển của khoa học kỹ thuật, khái niệm ngành HOT đã có phần lỗi thời. Hiện nay, ở bất cứ ngành nào, nếu thí sinh tích lũy đủ năng lực và luôn chủ động, sáng tạo trong công việc thì cơ hội nghề nghiệp sẽ luôn rộng mở, đa dạng. Vì vậy, việc chọn đúng ngành nghề mình yêu thích, phù hợp với năng lực là quan trọng nhất. Nếu vẫn chưa chọn được ngành học, trường ĐH cho mình, các em hãy tìm đến sự trợ giúp của chuyên gia Tư vấn chọn trường – chọn ngành để được giải đáp hết tất cả những băn khoăn, thắc mắc trong quá trình đăng ký ngành học, trường ĐH tương lai nhé!
>> NHẬN SỰ TRỢ GIÚP CỦA CHUYÊN GIA TƯ VẤN HƯỚNG NGHIỆP HÀNG ĐẦU TẠI ĐÂY <<
– Tư vấn trực tiếp cùng chuyên gia 15 năm kinh nghiệm trong tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp
– Gỡ bỏ phân vân khi lựa chọn phương thức tuyển sinh
– Tăng tỉ lệ đỗ đại học
– Chọn ngành có cơ hội việc làm cao
– Chọn trường phù hợp với năng lực
– Định hướng lộ trình học và thi cử phù hợp