Review ngành Y: Cống hiến tuổi trẻ cho ước mơ chữa bệnh cứu người
Ngành Y là một ngành học vô cùng cao cả và là ước mơ của rất nhiều bạn trẻ, thế nhưng nếu chỉ ước mơ thôi thì sẽ rất khó để có thể học tập và theo đuổi ngành học này đến tận cùng nếu bạn chưa thực sự nỗ lực hết mình. Ở bài viết này hay cùng tìm hiểu lý do tại sao ngành Y lại “khó” theo đuổi đến vậy nhé!
Mục lục
1. Bạn đã hiểu về ngành Y?
Con người sống trên cuộc đời ai cũng phải đối mặt với “Sinh, lão, bệnh, tử”, ngành Y ra đời từ lúc con người nhận thức được các biến đổi xấu trong cơ thể mình và mong muốn tìm cách khắc phục nó. Ngành Y có lịch sử lâu đời gắn liền với quá trình phát triển tri thức của loài người.
Dù trong thời đại nào, chiến tranh hay hòa bình con người luôn phải đối mặt với những nguy cơ về sức khỏe và dịch bệnh. Chỉ có ngành Y mới có thể có những giải pháp để chữa trị bệnh tật, bảo vệ con người trước những nguy cơ về sức khỏe.
Khi theo học ngành Y, các bạn sẽ được đào tạo để trở thành những người chăm sóc, nghiên cứu, bảo vệ sức khỏe con người. Liên quan đến chủ thể là tính mạng của con người nên thí sinh thi vào trường Y phải là những người xuất sắc nhất, thật không khó hiểu khi điểm chuẩn ngành Y luôn đứng đầu trong số tất cả các ngành học.
2. Chinh phục ngành Y không hề dễ
“Đầu vào cao, đầu ra khó” là tất cả những gì mà sinh viên ngành Y phải đối mặt. Sinh viên thi vào ngành Y và theo học ngành Y phải nỗ lực hơn tất cả những gì bạn đã cố gắng trong cuộc đời.
Hành trình chinh phục ngành Y của sinh viên Y kéo dài 6 năm với lịch học, thực hành, thực tập dày đặc. Một năm của sinh viên Y có 02 mùa đó là: mùa ôn và mùa thi. Cứ như vậy trong suốt 06 năm học, thậm chí còn nhiều hơn nữa nếu bạn muốn học chuyên sâu.
Khác với những ngành học khác, năm nhất của sinh viên ngành Y đã “tất bật” sáng tối với các môn học đại cương về ngành Y. 1 tuần có 7 ngày, sinh viên sẽ dành 5 ngày đi học và 2 ngày cuối tuần đi thi. Kết thúc năm nhất, bạn đã phải hiểu sâu về giải phẫu, sinh lý vì đây là nền móng cho các bộ môn lâm sàng sau này. Cùng với đó là vốn ngoại ngữ chuyên ngành để thuận tiện trong việc cập nhập tri thức từ các báo chí, tài liệu.
Năm 2 và 3, sinh viên sẽ học sâu về chuyên ngành, thực hành thí nghiệm và đi thực tập tại các cơ sở bệnh viện.
Năm 4 và 5, sinh viên phải chỉ định được xét nghiệm, đọc được xét nghiệm và biết về điều trị. Việc đi sâu vào các chuyên khoa lẻ giúp các bạn trẻ có cái nhìn tổng quan và dễ dàng định hướng chuyên khoa làm việc trong tương lai.
Năm thứ 6 là năm học bạn củng cố lại kiến thức, làm khóa luận và học tập, ôn luyện, thực tập “thiêu thân” để chuẩn bị xin việc làm sau khi ra trường.
Thật không sai khi nói rằng, thanh xuân của sinh viên Y là những đêm trực xuyên đêm, là nhắm mắt thấy màu áo trắng,…Nếu muốn trở thành bác sĩ, thì 6 năm đại học có lẽ còn chưa đủ mà bạn phải mất thêm 4 năm nữa để có thể đủ trình độ tay nghề cứu chữa cho bệnh nhân.
3. Đến đâu để học Y?
Ngày nay, ngành Y phát triển và được đầu tư đào tạo, nghiên cứu nhiều hơn trước kia, nhưng không phải vì thế mà các trường đại học có ngành Y “lơ là” trong việc tuyển chọn những bác sĩ tương lai đất nước. Dưới đây là một vài danh sách các cơ sở đào tạo ngành Y các bạn có thể tham khảo:
- Đại học Y Dược Thái Bình
- Đại học Y Hà Nội
- Đại học Y Dược Hải Phòng
- Học viện Quân Y
- Trường Đại học Y Dược – Đại học Quốc gia Hà Nội
- Trường Đại học Y Dược – Đại học Huế
- Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng
- Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh
- Đại học Y Dược Cần Thơ
4. Cơ hội việc làm ngành Y
Thế giới Y học là thế giới vô cùng rộng lớn mà đến nay con người vẫn chưa thể khám phá được hết. Vì vậy, khi học và làm việc bạn có thể tham gia vào nhiều lĩnh vực tùy thuộc vào sở thích, năng lực của bản thân mình. Sinh viên có thể làm việc tại các cơ sở ý tế tư nhân hoặc nhà nước trong các lĩnh vực như:
– Khám chữa bệnh: Bác sĩ đa khoa, bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ ngoại khoa, bác sĩ sản phụ khoa.
-Y học dự phòng: Bác sĩ y học dự phòng trong viện dinh dưỡng, viện vệ sinh dịch tễ, viện y học lao động và vệ sinh môi trường, cục Y tế dự phòng.
-Nghiên cứu và đào tạo ngành Y: Nghiên cứu viên tại các viện nghiên cứu, bệnh viện đa khoa,..
-Quản lý Nhà nước về Y tế: Chuyên gia quản lý y tế, chuyên gia quản lý trang thiết bị y tế tại các cơ quan trực thuộc Bộ y tế.
5. Tố chất theo học ngành Y
-Bạn giàu lòng yêu thương, hết mình vì bệnh nhân.
-Bạn có đạo đức tốt.
-Bạn đam mê và học giỏi các môn tự nhiên, có tư duy nhạy bén và logic.
-Bạn kiên trì theo đuổi ước mơ
-Bạn cẩn thận, tỉ mỉ và khéo léo.
-Bạn có lòng can đảm và trái tim vững vàng.
6. Học phí ngành Y
Phần lớn các trường công lập đào tạo ngành Y có học phí từ 14 triệu đồng/năm – 88 triệu đồng/năm. Học phí mỗi chuyên ngành có sự khác nhau và dao động nhẹ qua các năm học. Việc tăng học phí sẽ là xu hướng chung của tất cả các ngành nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và trang thiết bị phục vụ học tập và giảng dạy.
-Học phí tại Đại học Y Hà Nội năm 2020 vẫn giữ mức ổn định, chỉ chạm mốc 14,3 triệu đồng/năm
-Học phí ĐH Y Dược TPHCM năm 2020 có sự biến động mạnh mẽ vì nhà trường tự chủ tài chính, ngành học có phí cao nhất là Y Khoa với 68 triệu đồng/năm đầu tiên và tăng 10% qua các năm.
-Tại ĐH Đà Nẵng, ngành thuộc Khoa Y Dược là 14,3 triệu đồng/năm và đây cũng là mức học phí trung bình tại các trường như Y Dược Hải Phòng, Y Dược Thái Bình, Y Dược Huế,…
-Tại ĐHQG TPHCM, ngành Y khoa chất lượng cao sẽ tốn của bạn 65 triệu đồng trong 1 năm học.
Với những thông tin về Ngành Y, hy vọng rằng các bạn sẽ có những cái nhìn tổng qua và chuẩn bị sẵn sàng tâm lý sức khỏe để lựa chọn con đường theo đúng đam mê và năng lực của bản thân mình.