Tuyển sinh 2023: Cần hoàn thiện các phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa
Nhằm đảm bảo công bằng cho các thí sinh trong mùa xét tuyển năm 2023, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh đến công tác hoàn thiện và đơn giản hóa các phương thức tuyển sinh.
Theo thống kê, có khoảng 20 phương thức xét tuyển vào đại học. Trong đó, phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả học tập,…vẫn chiếm chỉ tiêu lớn. Tuy nhiên, việc các trường bổ sung nhiều phương thức xét tuyển kéo theo sự phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý dẫn đến việc khó đảm bảo công bằng giữa các phương thức. Bên cạnh đó, việc gia tăng nhiều phương thức xét tuyển cũng khiến thí sinh chưa có sự chuẩn bị kịp thời trong việc nắm bắt thông tin.
Việc các cơ sở tuyển sinh đưa ra nhiều phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển cho một ngành học là một trong những nguyên nhân khiến điểm trúng tuyển đại học bằng kết quả thi tốt nghiệp “đụng trần”. Nhằm đảm bảo tính công bằng trong công tác tuyển sinh, Bộ GD&ĐT khuyến cao các trường nên có phương pháp quy đổi điểm đánh giá của các phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển về một thang đo chung và xét tuyển chung. Trong trường hợp các trường muốn xét tuyển độc lập thì cần giải trình rõ ràng căn cứ chỉ tiêu đưa ra.
Theo TS Lê Thống Nhất – Chuyên gia giáo dục cho biết, việc tuyển sinh do các trường tự chủ nên không thể áp đặt phương án tuyển sinh. Tuy nhiên cần cân nhắc hình thức xét tuyển bằng học bạ nhằm nâng cao chất lượng đầu vào. Để tuyển sinh tốt thì cần có những kỳ thi riêng, kết quả học tập chỉ là vòng sơ khảo.
Dự kiến phương hướng tuyển sinh năm 2023, Bộ GD&ĐT sẽ cân nhắc các phương thức xét tuyển được tổ chức cùng thời điểm với đợt xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT và giảm điểm cộng ưu tiên đối với thí sinh có kết quả thi trên 22,5 điểm.
(Nguồn: Tổng hợp)
Bộ GD&ĐT: Xem xét khuyến cáo các trường không xét tuyển sớm như năm 2022