Chuyên ngành Công nghệ chế tạo máy - Đại Học Bách Khoa – Đại Học Đà Nẵng
Review ngành Công nghệ chế tạo máy – Đại học Bách khoa Đà Nẵng (DUT): Đào tạo nguồn nhân lực mũi nhọn thúc đẩy Công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước
Công nghệ chế tạo máy hiện nay đang được xem là một trong những ngành mũi nhọn thuộc nhóm ngành Cơ khí. Dựa vào sự tiến bộ, hiện đại của ngành này có thể quyết định trình độ, kỹ thuật của một đất nước. Bởi vậy ngành đang được đánh giá cao trong thời kỳ công nghiệp hiện nay. Rất nhiều các bạn trẻ và các bậc phụ huynh đang có hứng thú tìm hiểu về ngành học này. Từ đó, hàng loạt các câu hỏi được đặt ra: Công nghệ chế tạo máy là ngành gì? Học gì? Học ở đâu?… Để giải đáp những thắc mắc này cho mọi người, hôm nay HOCMAI.VN xin giới thiệu tới bạn đọc bài viết về đào tạo ngành Công nghệ chế tạo máy tại Đại học Bách khoa Đà Nẵng.
Mục lục
1. Khái niệm ngành Công nghệ chế tạo máy
Công nghệ chế tạo máy có tên tiếng Anh là Manufacturing Technology. Đây là một ngành đào tạo nhằm cung cấp cho nền sản xuất công- nông nghiệp những thiết bị, công cụ máy móc giúp sản xuất toàn bộ các loại hàng hóa, chế tạo, chế biến từ nguyên liệu thô trở thành sản phẩm, hàng hóa chất lượng.
Trong hoạt động sản xuất thực tế, các kỹ sư công nghệ chế tạo máy tham gia từ quy trình chế tạo ra các thiết bị máy móc, sản phẩm nghiên cứu (cơ khí) tới vận hành thiết bị, sản phẩm nghiên cứu mới nhằm tối ưu hóa quá trình sản xuất, tăng hiệu quả, chất lượng và sản lượng. Bên cạnh đó, Công nghệ chế tạo máy còn đào tạo các kỹ sư chuyên về thiết kế trong các lĩnh vực như: các phương tiện giao thông (ô tô, máy bay,..), đồ dùng gia đình, máy móc và thiết bị sản xuất, các hệ thống gia nhiệt và làm lạnh, vũ khí…
2. Đào tạo ngành Công nghệ chế tạo máy tại Đại học Bách khoa Đà Nẵng (DUT)
Đại học Bách khoa Đà Nẵng được đánh giá nằm trong TOP 3 cơ sở đào tạo Khoa học – Kỹ thuật trên cả nước, cho nên tiêu chuẩn chương trình đào tạo của trường luôn được thiết kế bám sát với thực tiễn và có tính ứng dụng cao trong cuộc sống hiện đại. Sinh viên chuyên ngành Công nghệ chế tạo máy tại DUT sẽ được trang bị từ các kiến thức nền về khoa học cơ bản như Toán, Lý, Hóa; hay các kiến thức cơ sở ngành; tới các kiến thức chuyên ngành Cơ khí Chế tạo máy. Cụ thể là các kiến thức về: thiết kế, tính toán cơ khí trong hệ thống sản xuất chế tạo máy, các công nghệ sản xuất hiện đại, tự động hóa quá trình sản xuất, tổ chức và quản lý sản xuất. Bên cạnh đó, các bạn còn được hướng dẫn, rèn luyện các kỹ năng sử dụng trong môi trường công việc tương lai: Kỹ năng phân tích, giải quyết vấn đề, Kỹ năng giao tiếp và Kỹ năng làm việc nhóm.
Đại học Bách khoa Đà Nẵng là cơ sở đào tạo luôn được đánh giá cao về lĩnh vực kỹ thuật. Bởi vậy, Kỹ sư sau khi hoàn thành chương trình đào tạo chuyên ngãnh Công nghệ chế tạo máy yêu cầu cần phải nắm đươc các kỹ năng sau:
– Tiếp cận, cập nhật về công nghệ và kỹ thuật hiện đại, có khả năng vận hành các thiết bị tự động trong dây chuyền công nghiệp hiện đại.
– Ứng dụng các kiến thức được đào tạo vào; thiết kế dây chuyền sản xuất và các thành phần trong chế tạo máy; thiết kế sản phẩm và hệ thống điều khiển.
– Có khả năng phân tích, xử lý và ứng dụng kết quả thực nghiệm vào trong sản xuất thực tiễn.
– Nhận dạng, phân tích tài liệu, dữ liệu trong thực tiễn để giải quyết các vấn đề phát sinh về kỹ thuật.
– Tổ chức làm việc nhóm hiệu quả; Nắm được phương thức trình bày kết quả, ý tưởng logic.
– Sử dụng thành thạo ngoại ngữ trong giao tiếp và làm việc.
Đặc biệt tại DUT, Khoa Cơ khí được nhà trường đầu tư trang bị đầy đủ máy móc và các trang thiết bị hiện đại phục vụ cho quá trình đào tạo và học tập của sinh viên. Đây được đánh giá là cơ sở đào tạo uy tín và nổi trội nhất trong Ngành Công nghệ Chế tạo máy khu vực Miền Trung và Tây Nguyên. Là sinh viên thuộc ngành Cơ khí và Tự động hóa tại DUT, bạn sẽ không cần phải lo lắng về việc tìm kiếm phòng thí nghiệm, xưởng cơ khí thực hành trong quá trình học tập. Bởi Khoa Cơ khí tại DUT được trang bị rất đầy đủ các máy móc, thiết bị hiện đại, các phòng thí nghiệm, xưởng chế tạo máy,… phục cho việc đào tạo và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ của sinh viên và giảng viên trong trường.
3. Điểm chuẩn ngành Công nghệ chế tạo máy của Đại học Bách khoa Đà Nẵng (DUT)
Trường | Chuyên ngành | Ngành | 2023 | 2022 | 2021 | |||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
Đại Học Bách Khoa – Đại Học Đà Nẵng | Công nghệ chế tạo máy | Công nghệ chế tạo máy | 714 | 26.77 | 22.5 | 26.36 | 707 | 22.5 | 714 | 23.85 |
Ghi chú | Đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TPHCM | Học bạ | Tốt nghiệp THPT | Học bạ | Điểm thi TN THPT | Điểm thi TN THPT |
4. Cơ hội việc làm
Quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đang được coi là nhiệm vụ trung tâm hiện nay của toàn dân Việt Nam. Quá trình Công nghiệp hóa – hiện đại hóa gắn liền với sự phát triển của các ngành công nghiệp như cơ khí, tự động, điện, vật liệu… Theo thống kê của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM những năm trở lại đây cho thấy nhu cầu về nhân lực của nhóm ngành Cơ khí – Công nghệ ô tô xe máy – Luyện kim đang đứng đầu, chiếm tỷ lệ 28% trong tổng các khối ngành kinh tế, và cho ra số liệu yêu cầu về số lượng kỹ sư ngành cơ khí chế tạo máy chính xác và tự động hóa lên tới gần 8000 người/năm. Điều này cho thấy, cơ hội việc làm cho các kỹ sư Công nghệ chế tạo máy là vô cùng mở rộng. Nắm bắt được tình hình đó, khoa Cơ khí của DUT luôn chú trọng hợp tác với các công ty và tập đoàn lớn trong ngành công nghiệp tại Miền Trung và Tây Nguyên. Bởi vậy, sinh viên đào tạo chuyên ngành của đại học Bách Khoa Đà Nẵng có cơ hội được thực tập tại môi trường doanh nghiệp ngay từ khi còn trên ghế nhà trường, mở rộng nền móng để các bạn có thể tham gia làm việc tại đó sau khi tốt nghiệp tại đó. Một số doanh nghiệp liên kết với DUT: Tập đoàn DOOSAN, Đóng tàu Sông Thu, Ôtô Trường Hải, Gang thép Formosa – Hà Tĩnh, Intel, …
Ngoài ra, sau khi tốt nghiệp các Kỹ sư Công nghệ chế tạo máy của DUT có thể đảm nhận làm việc tại các vị trí:
– Nhân viên kỹ thuật, quản lý, điều hành sản xuất tại các công ty sản xuất cơ khí chế tạo máy.
– Chuyên viên tư vấn, thiết kế, điều khiển, vận hành, hệ thống sản xuất chế tạo máy; Nhân viên bảo trì thiết bị máy; Quản lý và tổ chức sản xuất tại các công ty sản xuất theo dây chuyền tự động hóa.
– Cán bộ quản lý tại các cơ quan liên quan đến lĩnh vực cơ khí chế tạo máy.
– Tham gia giảng dạy các môn học thuộc chuyên ngành Cơ khí chế tạo máy tại các trường Đại học, Cao đẳng.
– Cán bộ nghiên cứu thuộc lĩnh vực cơ khí chế tạo máy ở các trung tâm, các cơ quan nghiên cứu, các Viện nghiên cứu của các Bộ/ ngành, các trường Đại học, Cao đẳng.
Hy vọng qua bài viết, các bạn có thể hiểu được cơ bản về ngành Công nghệ chế tạo máy và đủ cơ sở để đánh giá và lựa chọn Đại học Bách khoa Đà Nẵng có phải là điểm tới tương lai không.