Kỳ thi tốt nghiệp THPT và Đánh giá năng lực có gì khác nhau?
Là kỳ thi tương đối HOT hiện nay bên cạnh kỳ thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi Đánh giá năng lực có hướng tiếp cận hoàn toàn khác biệt nhằm phục vụ mục tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ.
Hướng tiếp cận khác nhau
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo – Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, kỳ thi Đánh giá năng lực đã được Đại học Quốc gia Hà Nội tiến hành từ năm 2015, được triển khai trở lại vào năm 2021. Kỳ thi năm 2023 về cơ bản không có khác biệt gì.
Theo đó, hướng tiếp cận của kỳ thi ĐGNL và tốt nghiệp THPT là hoàn toàn khác nhau.
Kỳ thi Tốt nghiệp THPT phục vụ cho đánh giá đạt chuẩn để thí sinh có bằng tốt nghiệp. Các bài thi kiểm tra kiến thức, kỹ năng của học sinh khi tốt nghiệp chương trình THPT.
Kỳ thi đánh giá năng lực mục tiêu xác định đánh giá nhóm năng lực của thí sinh đạt được sau khi hoàn thành chương trình THPT theo 3 nhóm chính: Thứ nhất là tư duy định lượng toán học; Thứ hai là tư duy logic ngôn ngữ; Thứ ba là khám phá vận dụng khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.
Ngoài ra, khác với kỳ thi tốt nghiệp THPT có nhiều bài thi, kỳ thi ĐGNL chỉ có 1 bài thi duy nhất bao quát toàn diện kiến thức và tổng hợp.
Sẽ bổ sung một số câu hỏi tích hợp liên môn
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, tính đến thời điểm hiện tại đã có 1/5 thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, khoảng 4/5 thí sinh chưa thi.
Với kỳ thi ĐGNL, thí sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản của chương trình THPT là đủ. Các em nên làm quen trước với cấu trúc bài thi, dạng thức câu hỏi, tiến trình làm bài qua các đề tham khảo do Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội công bố trước đó.
“Năng lực của thí sinh đã được tích lũy trong một thời gian dài chứ không phụ thuộc vào việc ôn luyện, học tập trong 1 – 2 buổi hay tham gia lớp học cấp tốc ngắn hạn. Vì vậy, thí sinh không nên quá lo lắng” – GS Thảo cũng đưa ra lời khuyên.
Ngoài ra, một trong số những điểm độc đáo của bài thi này là số lượng câu hỏi ít, thời gian ngắn nhưng đánh giá được các nhóm năng lực chủ đạo của người thí sinh.
Những câu hỏi tích hợp liên môn chắc chắn là một trong những yêu cầu bắt buộc của bài thi này. Các thí sinh hiện nay đang bắt đầu được tiếp cận chương trình tổng thể 2018, do đó bài thi sẽ được thiết kế theo lộ trình thay đổi, bổ sung dần theo năm học 2023-2024. Dự kiến năm 2024, bài thi sẽ được bổ sung thêm một số câu tích hợp liên môn.
(Nguồn: Báo Lao động)
Tuyển sinh 2022: Danh sách những trường xét tuyển bằng kết quả bài thi đánh giá năng lực 2022
Tuyển sinh 2022: ĐHQG Hà Nội công bố đề tham khảo kỳ thi đánh giá năng lực (HSA)