Xét tuyển sớm gây mất công bằng cho thí sinh ở một góc độ nào đó
Mới đây bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học đã chia sẻ về toàn cảnh tình hình tuyển sinh năm 2022. Đây là năm có nhiều điều chỉnh về mặt kỹ thuật trong tuyển sinh giúp đảm bảo công bằng cho thí sinh, tuy nhiên cũng tồn tại không ít khó khăn.
Vẫn tồn tại những khó khăn
Do có nhiều thay đổi về mặt kỹ thuật, sai sót trong quá trình thực hiện là khong thể tránh khỏi. Tuy nhiên hầu hết Bộ GD&ĐT đã đưa ra khắc phục kịp thời.
Theo đó, việc lưu lượng truy cập cùng lúc quá đông trên Cổng thông tin tuyển sinh và Cổng dịch vụ công quốc gia cũng gây ra những vấn đề phát sinh như lỗi hiển thị thông tin (trong ngày đầu thực hiện xác nhận nhập học), khó khăn trong thanh toán trực tuyến (do nền tảng thanh toán trực tuyến)… Tất cả các trường hợp khó khăn, sai sót đã được khắc phục một cách tích cực, đảm bảo quyền lợi chính đáng của thí sinh.
Ngoài ra, theo bà Nguyễn Thu Thủy: Ở một góc độ nào đó, việc xét tuyển sớm gây mất công bằng cho thí sinh, khó lựa chọn được thí sinh có chất lượng tốt nhất. Ngoài ra, xét tuyển sớm khiến thí sinh phải nộp hồ sơ vào nhiều trường, qua nhiều thủ tục trong khi vẫn phải thực hiện các thao tác trên hệ thống xét tuyển chung, từ đó gây ra sự nhiễu loạn thông tin, dẫn đến những sai sót, nhầm lẫn của thí sinh.
Phương thức xét tuyển cần được đơn giản hóa
Theo bà Thủy, trên cơ sở các số liệu về tuyển sinh năm 2022, Bộ GDĐT sẽ phối hợp với các cơ sở đào tạo phân tích, đánh giá và tổng kết những mặt được, chưa được và hướng khắc phục, trong đó có việc các trường cần hoàn thiện các phương thức tuyển sinh cho năm 2023 theo hướng đơn giản hóa, giảm thiểu các nhầm lẫn và khó khăn có thể gây ra cho thí sinh.
Điểm b khoản 2 Điều 34 Luật Giáo dục đại học quy định: “Cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh.”. Để Hệ thống hoạt động ổn định trong các năm tiếp theo, trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tự chủ trong tuyển sinh của các cơ sở đào tạo, Bộ GDĐT sẽ yêu cầu các cơ sở đào tạo phân tích, đánh giá hiệu quả của từng phương thức tuyển sinh để lựa chọn và sử dụng một số phương thức nhất định, tránh đưa ra nhiều phương thức xét tuyển dẫn đến không đảm bảo sự công bằng và gây khó khăn, nhầm lẫn cho thí sinh.
Hiện nay Hệ thống đang tiếp tục hỗ trợ thí sinh xác nhận nhập học và xét tuyển bổ sung. Tất cả những vướng mắc, không thuận lợi trong quá trình triển khai đã được Bộ GDĐT ghi nhận, phân tích, để hoàn thiện quy trình tuyển sinh cho năm 2023 và các năm tiếp theo.
Nhìn lại kỳ tuyển sinh năm 2022, có thể khẳng định áp dụng công nghệ trong các khâu của tuyển sinh là việc không thể không làm trong bối cảnh chuyển đổi số như hiện nay. Bộ GDĐT sẽ rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình và các chức năng của hệ thống phần mềm. Sau đó, sẽ có kế hoạch nâng cấp để tiến tới hệ thống đăng ký dự thi, đăng ký nguyện vọng và thanh toán trực tuyến có khả năng bắt lỗi người sử dụng, dễ sử dụng, thân thiện và tối ưu hơn.
(Nguồn: Bộ GD&ĐT)
Thí sinh đỗ thành trượt, các trường đang khẩn trương giải quyết