Tuyển sinh 2022: Áp lực của thí sinh trong “ma trận” phương thức tuyển sinh đại học
Đa dạng phương thức tuyển sinh, mở thêm nhiều kỳ thi riêng để xét tuyển vào đại học có thực sự đem lại nhiều cơ hội cho các sĩ tử trong mùa tuyển sinh năm 2022? Câu trả lời sẽ được giải đáp chi tiết trong bài viết dưới đây.
1. “Ma trận” phương thức tuyển sinh vào đại học
Trong những năm gần đây, các trường đại học có xu hướng đa dạng hóa phương thức tuyển sinh bằng việc tự xây dựng cho mình những điều kiện tuyển sinh mới, đặc biệt là việc tổ chức các kỳ thi riêng hoặc sử dụng kết quả các kỳ thi riêng của các trường làm phương thức xét tuyển. Các kỳ thi riêng có thể kể đến như:
– Kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia Hà Nội
Xem thêm: Danh sách những trường xét tuyển bằng kết quả bài thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia Hà Nội 2022
– Kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TPHCM
Xem thêm: Danh sách các trường xét tuyển bằng điểm đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM
– Kỳ thi đánh giá tư duy Đại học Bách khoa Hà Nội
Năm 2022, nhiều trường đại học có xu hướng giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, thay vào đó bổ sung thêm phương thức xét tuyển bằng kết quả kỳ thi riêng hoặc tăng chỉ tiêu kết quả kỳ thi riêng (đặc biệt là tại các trường top đầu). Lý giải cho điều này, ta có thể thấy rõ thực trạng như sau:
Kỳ thi THPT Quốc gia đã được đổi tên thành Kỳ thi Tốt nghiệp THPT (Theo Luật Giáo dục sửa đổi bổ sung 2019, có hiệu lực từ tháng 7/2020) nhằm hướng đến mục tiêu chính là xét tốt nghiệp THPT và đánh giá hiệu quả chương trình học giáo dục phổ thông thay vì kết hợp mục tiêu kép là xét tuyển đại học, cao đẳng như trước đây. Chính vì điều này mà đề thi không còn đáp ứng đủ yêu cầu xét tuyển, tính phân loại chưa cao theo như đúng yêu cầu xét tuyển các trường đại học.
Việc các trường đại học mở rộng nhiều phương thức tuyển sinh tạo cho thí sinh nhiều “lối đi” để bước vào cánh cổng đại học là tín hiệu đáng ghi nhận nhưng bên cạnh đó lại vô hình tạo ra áp lực cho các thí sinh khi đứng trước nhiều kỳ thi riêng:
– Nhiều thí sinh vẫn đang loay hoay chưa xác định được kỳ thi chính của mình mà “ôm đồm” đăng ký nhiều kỳ thi. Điều này dẫn đến việc thí sinh ôn tập không đúng trọng tâm, thay vì ôn thi tốt nghiệp và ôn thi theo khối để xét tuyển đại học như các năm trước thí sinh cần ôn thi tổng hợp các môn nếu muốn tham gia các kỳ thi như kỳ thi ĐGNL, kỳ thi Đánh giá tư duy,…
– Đa dạng phương thức tuyển sinh khiến chỉ tiêu vào trường bị chia nhỏ, dẫn đến việc điểm đầu vào có xu hướng tăng cao hơn so với những năm trước, mức độ cạnh tranh tăng cao.
Không thể phủ nhận các kỳ thi riêng đang ngày càng “lên ngôi” nhưng chưa đạt được mức độ ổn định cần thiết vì chịu những ảnh hưởng bất ngờ của dịch bệnh Covid-19 vẫn đang hoành hành. Có không ít học sinh đặt hy vọng vào các kỳ thi riêng nhưng lại vỡ kế hoạch vì bị trì hoãn, lùi lịch.
2. Giảm áp lực, nâng cao hiệu quả trúng tuyển
Thực tế, nhiều thí sinh không đủ điều kiện tham gia xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT nhưng lại trúng tuyển bằng điểm của các kỳ thi riêng. Do đó, nếu thí sinh có nguyện vọng vào trường có xét tuyển bằng các kỳ thi riêng thì nên thử sức.
Tuy nhiên, đứng trước vô vàn chọn lựa để “tìm đường” vào đại học, thí sinh cần tỉnh táo và kiên định chọn lựa con đường chủ đạo của mình.
– Thí sinh cần xây dựng kế hoạch học tập từ đầu năm học: Để tham dự kỳ thi riêng, thí sinh cần có kế hoạch học tập và ôn luyện hợp lý, dài hạn. Đối với các bài thi riêng mang tính tổng hợp và không có giới hạn về kiến thức thí sinh không thể học tủ, học vẹt. Thí sinh cần học hiểu, tư duy, vận dụng linh hoạt vào việc xử lý các tình huống mới mẻ và linh hoạt. Cụ thể, thí sinh dành nửa năm đầu lớp 12 để ôn luyện tổng quát, nắm chắc toàn bộ kiến thức mà không phân biệt kỳ thi tốt nghiệp hay kỳ thi riêng. Nửa năm học còn lại, tùy vào năng lực và mục tiêu của mình, thí sinh sẽ lựa chọn và cân nhắc đầu tư cho kỳ thi riêng hay kỳ thi tốt nghiệp.
– Thí sinh cần xác định rõ đâu là kỳ thi chính, đâu là kỳ thi bổ sung để xét tuyển phương thức trọng tâm vào trường tránh tham dự quá nhiều kỳ thi mà ôn luyện một cách tràn lan dễ tuột mất nhiều cơ hội.
Xem thêm: Sai lầm lớn nhất khi thí sinh chuyển từ thi tổ hợp môn sang thi ĐGNL
(Nguồn tham khảo)