Chuyên ngành Công tác xã hội - Đại Học Tôn Đức Thắng
Review ngành Công tác xã hội trường Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) – Nghề “hiện đại” của xã hội hiện đại
Đứng trước nhu cầu cao của con người hiện đại, ngành Công tác xã hội ngày càng được nhiều người quan tâm và tìm hiểu.Vậy ngành Công tác xã hội làm những công việc gì? Hôm nay hãy cùng khám phá chi tiết hơn ngành Công tác xã hội tại một ngôi trường có chất lượng đào tạo cực “xịn xò”, đó chính là Đại học Tôn Đức Thắng, cùng xem ngay nhé!
Mục lục
1. Ngành Công tác xã hội là gì?
Công tác xã hội là ngành học tìm hiểu về những hoạt động chuyên môn với mục địch hỗ trợ cá nhân, gia đình, cộng đồng vượt qua khó khăn để tự vươn lên phát triển. Đây là nghề nghiệp mới xuất hiện trong những năm gần đây vì vậy mà cơ hội việc làm của ngành nghề này rất lớn.
Trong tương lai, đây là ngành nghề vô cùng cần thiết khi con người đang ngày càng phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn như thiên tai, dịch bệnh…những nhóm người yếu thế sẽ cần được giúp đỡ rất nhiều.
Công tác xã hội là ngành học phù hợp với những bạn trẻ năng động, giàu lòng nhân ái, biết hy sinh cho cộng đồng và tập thể. Với mục tiêu đào tạo là đem đến nguồn nhân lực có đạo đức, tài năng, sẵn sàng cống hiến cho xã hội để nâng cao chất lượng đời sống của con người hiện đại, thúc đẩy xã hội phát triển theo hướng tích cực hơn. Trong quá trình học, sinh viên sẽ xây dựng được các kỹ năng về nghiên cứu, giảng dạy, tìm hiểu các vấn đề xã hội để tìm hướng giải quyết, cách tư vấn và xây dựng các chính sách xã hội phù hợp với từng vấn đề cụ thể.
2. Học ngành Công tác xã hội tại trường Đại học Tôn Đức Thắng như thế nào?
Trường Đại học Tôn Đức Thắng đào tạo ngành Công tác xã hội trong thời gian 4 năm, tổng cộng khối lượng kiến thức gồm 137 tín chỉ (chưa bao gồm tín chỉ của học phần thể chất và học phần quốc phòng)
Mục tiêu đào tạo của trường: Chương trình đào tạo cử nhân ngành Công tác xã hội được thiết kế dựa trên chương trình đào tạo của trường đại học thuộc TOP 100 trường hàng đầu về đào tạo ngành Công tác xã hội trên thế giới. Chương trình có nhiều môn học mới, hiện đại, phù hợp với sự phát triển của xã hội và đáp ứng được nhu cầu hội nhập quốc tế.
Khi học xong ngành Công tác xã hội, các sinh viên sẽ được trang bị cho mình:
- Về kiến thức: Có kiến thức chuyên sâu về lý thuyết, phương pháp và tiến trình thực hành công tác xã hội; có hiểu biết về mối quan hệ của con người với môi trường xã hội.
- Về kỹ năng chuyên môn: Có khả năng phân tích, đánh giá và xác định vấn đề của cá nhân, gia đình, nhóm xã hội và cộng đồng; xây dựng và triển khai dự án phát triển cộng đồng; kết nối nguồn lực.
- Kỹ năng tin học: Thành thạo tin học ứng dụng trong công việc (Đạt chứng chỉ tin học MOS quốc tế 750 điểm).
- Kỹ năng ngoại ngữ: Có khả năng vận dụng tiếng Anh trong công việc (Đạt chứng chỉ IELTS 5.0 hoặc chứng chỉ tiếng Anh quốc tế khác tương đương).
- Về thái độ và hành vi: tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp CTXH, có thái độ và hành vi đúng mực đối với ngành nghề, nơi làm việc, đồng nghiệp và đối tượng trợ giúp.
Không chỉ có việc học tập lý thuyết thuần túy trên giảng đường, trường Đại học còn thường xuyên tổ chức các buổi ngoại khóa, tập huấn nhằm mang lại cho sinh viên cơ hội vận dụng lý thuyết vào thực tiễn, hoàn thiện bản thân và định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
Bên cạnh đó, sinh viên học tại trường được tổ chức những khóa tập huấn thực tế như phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Năng lực Người khuyết tật (DRD) tổ chức “Công tác xã hội với Người khuyết tật”. Sinh viên được tham gia như một người làm Công tác xã hội thực thụ, được cọ sát và có thêm kinh nghiệm làm nghề.
Tính đến nay, khoa này hiện đang có 1.600 sinh viên đang theo học, đã đào tạo tốt nghiệp ra trường gần 2.000 cử nhân, đều có ngay việc làm trong 12 tháng đầu tiên, đáp ứng tốt các yêu cầu của đơn vị sử dụng lao động.
3. Điểm chuẩn ngành Công tác xã hội
Trường | Chuyên ngành | Ngành | 2023 | 2022 | |||
---|---|---|---|---|---|---|---|
Đại Học Tôn Đức Thắng | Công tác xã hội | Công tác xã hội | 29 | 28.5 | 27 | 25.3 | 650 |
Ghi chú | Học bạ; Điểm Ngữ Văn*2 | Tốt nghiệp THPT | Xét học bạ | A01, D01: Anh*2 |
4. Cơ hội nghề nghiệp của sinh viên học ngành Công tác xã hội
Ngày nay, cơ hội việc làm dành cho sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành này ngày một mở rộng hơn, với đa dạng các vị trí trong các lĩnh vực khác nhau, có thể kể đến như:
- Làm việc tại các tổ chức Kinh tế – Chính trị – Xã hội, tổ chức đoàn thể quần chúng tại các cấp từ trung ương đến địa phương: Bạn có thể làm việc trong các tổ chức như Hội phụ nữ, Bảo hiểm xã hội, Hội chữ thập đỏ,…
- Nhân viên công tác xã hội trong trường học, bệnh viện: Với vị trí này, bạn sẽ là người hỗ trợ cộng đồng trong các tổ chức này về giải quyết các vấn đề liên quan đến tâm lý, chăm sóc sức khỏe tinh thần và hỗ trợ các vấn đề liên quan đến xã hội cho những cộng đồng này.
- Làm việc trong các tổ chức phi chính phủ: Các tổ chức phi chính phủ, các trung tâm, dự án phát triển xã hội đang ngày một phát triển và là một môi trường rất tốt cho bạn học hỏi và rèn luyện chuyên môn.
- Làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước: Người chăm lo đời sống tinh thần và giải quyết các vấn đề phát sinh, đồng thời kết nối cộng đồng doanh nghiệp với xã hội.
Công tác xã hội là ngành học thiên về kỹ năng, tiêu biểu các bạn sẽ được đào tạo về kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp ứng xử, hiểu một cách khoa học về tâm sinh lý con người từ đó dễ thích nghi với mọi hoàn cảnh xã hội cũng như bất kì môi trường công việc nào. Theo học ngành học này các bạn cũng có khả năng làm việc trong lĩnh vực truyền hình truyền thông, báo chí, du lịch, tư vấn viên, bất động sản giao dịch viên cho các công ty về Dược. Qua đó cho thấy ngành Công tác xã hội có nhiều cơ hội việc làm, song bạn nên trau dồi thêm ngoại ngữ và thủ sẵn nhiều kỹ năng mềm.
Nếu bạn mong ước được góp phần nào đó sức lực của mình vào sự phát triển của xã hội, giúp đỡ những người gặp khó khăn như người nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thì Công tác xã hội có thể là một lựa chọn phù hợp cho bạn. Hy vọng qua những chia sẻ trên đây đã mang đến cho bạn những thông tin hữu ích để giúp bạn định hướng nghề nghiệp và lựa chọn chuyên ngành, ngôi trường phù hợp.