Chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng - Đại Học Tài Chính Marketing
Review ngành Tài chính – Ngân hàng trường Đại học Tài chính – Marketing (UFM): Có phải “đã hết thời”?
Hiện nay, có rất nhiều người cho rằng ngành Tài chính – Ngân hàng đã không còn “hot” như chục năm trước đây. Tuy nhiên thực tế thì ngành học này đang một lần nữa “lên ngôi” và trở thành lựa chọn hàng đầu của nhiều bạn trẻ. Vậy điều gì khiến ngành học này mãi không hết hot? Cơ hội việc làm trong thời điểm hiện tại và tương lai ra sao? Bạn hãy tham khảo bài viết dưới đây sẽ review về ngành Tài chính – Ngân hàng tại UFM để tìm ra câu trả lời nhé!
Mục lục
1. Ngành Tài chính – Ngân hàng là gì?
Mã ngành: 7340201
Tài chính – Ngân hàng (Finance and Banking) là một ngành khá rộng, bao quát toàn bộ các hoạt động liên quan đến kinh doanh tiền tệ (giao dịch, vận hành và lưu thông tiền tệ) thông qua ngân hàng và các công cụ tài chính do ngân hàng phát hành nhằm chi trả, bảo lãnh, thanh toán trong nội địa và quốc tế.
Dù đất nước đang trong bối cảnh nền kinh tế bị tàn phá nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, Tài chính – Ngân hàng vẫn là ngành nghề trọng yếu và có triển vọng hơn so với các ngành khác, bởi vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến việc luân chuyển tiền tệ mà tiền tệ lại đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước, luân chuyển tiền tệ được so sánh giống như mạch máu trong cơ thể, nó đảm bảo sự sống và hoạt động của tất cả các hệ thống khác.
2. Học ngành Tài chính – Ngân hàng tại UFM như thế nào?
Ngành Tài chính – Ngân hàng của UFM hiện đang đào tạo 7 chuyên ngành, đó là:
(1) Tài chính doanh nghiệp: Đây là ngành học nghiên cứu về quá trình hình thành và sử dụng tài chính, ngân sách, tiền bạc của doanh nghiệp nhằm tối đa hóa lợi ích của doanh nghiệp. Và người làm về tài chính trong doanh nghiệp chính là người tìm ra phương án giải quyết cho các vấn đề như: Làm thế nào để doanh nghiệp tạo ra tiền? Doanh nghiệp nên sử dụng và đầu tư số tiền đó như thế nào để “tiền đẻ ra tiền”? Lợi nhuận thu được từ hoạt động của doanh nghiệp nên phân phối ra sao? Làm cách nào để quản lý dòng tiền hoạt động hiệu quả trong doanh nghiệp? Chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp chính sẽ đào tạo ra nguồn nhân lực làm công tác quản trị tài chính trong doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tìm ra phương án giải quyết các vấn đề kể trên.
(2) Ngân hàng: Chuyên ngành này đào tạo cho sinh viên các kiến thức chuyên môn về ngân hàng và tài chính – tiền tệ, bao gồm các kiến thức về quản trị vốn, quản trị tín dụng và tài sản của ngân hàng, các nghiệp vụ điều hành chính sách tiền tệ và phát hành tiền, kiến thức về quy trình thẩm định mức tín dụng tiền tệ. Ngoài ra, sinh viên còn được trang bị các kiến thức về pháp luật, thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán.
(3) Thẩm định giá: Chuyên ngành này sẽ đào tạo các kiến thức chuyên sâu về định giá doanh nghiệp, định giá tài sản của doanh nghiệp và định giá bất động sản. Sinh viên sẽ được đào tạo các kiến thức về cơ chế và nguyên lý vận hành của tài sản, các nghiệp vụ huy động và sử dụng vốn, các nghiệp vụ tín dụng ngân hàng, các quy trình hạch toán kế toán, định giá chứng khoán..
(4) Thuế: Chuyên ngành này có nhiệm vụ đào tạo cho sinh viên các kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về thuế như: chính sách thuế, lý thuyết thuế, các luật về thuế. Sinh viên sẽ nắm vững các quy trình lập hồ sơ kê khai thuế, quản lý thuế, các cam kết về thuế.
(5) Tài chính công: Chuyên ngành này có nhiệm vụ đào tạo cho sinh viên các kiến thức về quản lý tài chính công ở Việt Nam. Bên cạnh đó, sinh viên cũng được đào tạo kiến thức về các thông lệ quốc tế để khi thực hiện quản lý tài chính trong các tổ chức quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước có thể áp dụng một cách hiệu quả. Chuyên ngành này sẽ giúp sinh viên nắm chắc các kiến thức và kỹ năng về phân tích đánh giá, tổ chức chấp hành dự toán và quyết toán ngân sách, thực hành các nghiệp vụ lập dự toán.
(6) Tài chính bảo hiểm và đầu tư: Đây là chuyên ngành đào tạo các kiến thức tổng quát về kinh tế – tài chính trong nền kinh tế thị trường, các kiến thức nền tảng về ngành Tài chính – Ngân hàng và các kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực tài chính – bảo hiểm gồm các kiến thức chuyên sâu về hoạt động đầu tư tài chính, quản trị rủi ro trong doanh nghiệp, kinh doanh bảo hiểm (bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm nhân thọ, môi giới, tái bảo hiểm).
(7) Hải quan – Xuất nhập khẩu: Sinh viên theo học ngành này sẽ được cung cấp các kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực hải quan và nghiệp vụ xuất nhập khẩu, các kiến thức liên quan đến quản lý nhà nước về hải quan, các quy định của pháp luật về lĩnh vực Hải quan và cam kết quốc tế hải quan.
Thời gian đào tạo của cả 7 chuyên ngành này đều là 4 năm. Tối đa là 7 năm – nghĩa là trong quá trình học, sinh viên có thể học chậm hoặc bảo lưu, tuy nhiên tổng thời gian không quá 7 năm tính từ lúc sinh viên nhập học, nếu quá 7 năm, kết quả học tập sẽ bị hủy và sinh viên không đủ điều kiện tốt nghiệp.
Tổng khối lượng kiến thức đào tạo của mỗi chuyên ngành là 121 tín chỉ (chưa kể kỹ năng mềm, giáo dục thể chất và giáo dục quốc phòng).
Bên cạnh chương trình đào tạo đại trà, UFM còn có chương trình đào tạo Tài chính doanh nghiệp chất lượng cao, Ngân hàng chất lượng cao, và Hải quan – Xuất nhập khẩu chất lượng cao với nhiều lợi thế cho sinh viên.
Cụ thể, sinh viên sẽ được hỗ trợ tốt hơn cả về cơ sở vật chất lẫn chất lượng giảng dạy. Đội ngũ giảng viên đều có học vị từ thạc sỹ trở lên và là những người có nhiều năm kinh nghiệm và thực hành trong lĩnh vực giảng dạy. Chương trình đào tạo được thiết kế dựa trên cơ sở chương trình đào tạo chuẩn và có tham khảo các chương trình đào tạo quốc tế, do đó sinh viên sẽ được học các môn học có nội dung giảng dạy sâu rộng hơn, đồng thời được tăng cường kiến thức thực tế, kỹ năng thực hành cũng như khả năng sử dụng Tin học và tiếng Anh.
3. Điểm chuẩn ngành Tài chính – Ngân hàng của UFM
Trường | Chuyên ngành | Ngành | 2023 | 2022 | 2021 | ||||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
Đại Học Tài Chính Marketing | Tài chính - Ngân hàng | Tài chính - Ngân hàng | 28.2 | 27.5 | 800 | 710 | 24.2 | 24.8 | 23.5 | 809 | 761 | 26.5 | 820 | 25.4 | 24.6 |
Ghi chú | Học bạ | Học bạ; Chương trình tích hợp | Đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TPHCM | Đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TPHCM; Chương trình tích hợp | Tốt nghiệp THPT | TN THPT | Chương trình chất lượng cao | Chương trình chất lượng cao | Học bạ | Điểm thi TN THPT | Điểm thi TN THPT |
4. Cơ hội việc làm cho sinh viên ngành Tài chính – Ngân hàng sau khi tốt nghiệp UFM
Tài chính – Ngân hàng đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế. Chính vì vậy mà các bạn không cần quá lo lắng về cơ hội việc làm sau khi ra trường, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hòa mình vào nền kinh tế toàn cầu, ngành Tài chính – Ngân hàng là ngành đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ chuyên môn hơn bao giờ hết.
Nếu năng lực khi mới ra trường của bạn còn hạn chế thì có thể khởi đầu công việc từ vị trí nhân viên. Các công việc khởi đầu cho sinh viên tốt nghiệp ngành Tài chính – Ngân hàng bao gồm:
– Nhân viên ngân hàng.
– Nhân viên kinh doanh ngoại tệ;
– Nhân viên kế toán, kiểm toán nội bộ ngân hàng;
– Nhân viên kinh doanh tiền tệ;
Sau khi có kinh nghiệm nhiều hơn và phát triển được các kỹ năng nghề nghiệp, bạn có thể làm các công việc cao cấp hơn như:
– Chuyên viên thanh toán quốc tế;
– Chuyên viên tín dụng;
– Chuyên viên phân tích tài chính;
– Chuyên viên định giá tài sản;
– Chuyên viên về mua bán và sáp nhập doanh nghiệp;
– Giám đốc tài chính CFO.
Ngoài ra, nếu yêu thích công việc giảng dạy, bạn có thể lựa chọn trở thành giảng viên giảng dạy về tài chính – ngân hàng tại các trường đại học, cao đẳng trên cả nước.
Với các công việc kể trên, bạn có thể làm việc tại các đơn vị sau:
– Các ngân hàng thương mại, các công ty và tổ chức chứng khoán, các tổ chức tín dụng, các cơ quan nhà nước về tài chính và các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.
– Cơ quan thuế, quỹ tín dụng, các công ty bảo hiểm, tài chính.
– Các công ty kiểm toán, các quỹ đầu tư, kinh doanh chứng khoán, bất động sản.
– Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trung tâm dạy nghề.
Trên đây, bài viết “Review ngành Tài chính – Ngân hàng trường Đại học Tài chính – Marketing (UFM): Có phải “đã hết thời?” đã chia sẻ các thông tin về ngành Tài chính – Ngân hàng tại UFM. Hi vọng những thông này sẽ giúp ích phần nào trong việc lựa chọn ngành học tương lai của các bạn. Chúc các bạn sẽ đạt được kết quả tốt trong kỳ tuyển sinh sắp tới nhé!
- Review Trường Đại học Tài chính – Marketing (UFM): Những bông hoa vàng trên cỏ xanh
- Review ngành Tài chính – Ngân hàng: Ra trường có dễ xin việc không?
- Tài chính - Ngân hàng - Đại Học Hà Nội
- Tài chính - Ngân hàng - Học Viện Tài Chính
- Bất động sản - Đại Học Tài Chính Marketing
- Toán kinh tế - Đại Học Tài Chính Marketing