Review ngành Giáo dục mầm non – Chuyên ngành dành cho những người yêu trẻ
Ngành Giáo dục mầm non đang được rất nhiều bạn trẻ quan tâm, đặc biệt là các bạn nữ. Tuy nhiên liệu bạn có phù hợp với ngành này không? Bạn hiểu đến đâu về nó rồi? Nếu chưa thì cũng đừng lo lắng nhé, bài viết này sẽ review tất tần tật những thông tin cần thiết về ngành này!
Mục lục
1. Tìm hiểu ngành Giáo dục mầm non là gì?
Mầm non là cấp học đầu tiên của trẻ trong hệ thống giáo dục quốc gia, được coi là nơi đặt nền móng cho sự phát triển tổng thể của trẻ từ nhận thức, thể chất, thẩm mỹ, tình cảm xã hội. Hệ thống giáo dục mầm non thực hiện việc chăm sóc, giảng dạy và nuôi dưỡng cho trẻ từ 3 tháng đến 6 tuổi.
Vì sao học Giáo dục mầm non chỉ hợp với những người yêu trẻ? Bởi giáo viên mầm non không khác gì người mẹ đỡ đầu, là người dẫn dắt các bé những bước đầu tiên trước khi bước vào cuộc sống. Đặc điểm thể chất của trẻ trong giai đoạn này cũng có nhiều điều đặc thù nên cô nuôi dạy trẻ cần sự yêu thương và hy sinh khá lớn.
Ở chương trình học của ngành Giáo dục mầm non, bạn sẽ được tích lũy kỹ năng và kiến thức chăm sóc trẻ như: Vệ sinh trẻ, vệ sinh môi trường học, xây dựng chế độ rèn luyện thể chất và chế độ dinh dưỡng, xử lý những vấn đề về sức khỏe để phòng tránh bệnh ở trẻ nhỏ.
Bên cạnh đó, giáo viên mầm non tương lai cũng được học cách tổ chức các hoạt động làm quen văn học, hoạt động lễ hội, các hoạt động âm nhạc, tạo hình, giáo dục thể chất và kỹ năng quản lý giáo dục mầm non,…
2. Công việc của một cô giáo mầm non là gì?
Để các em dễ hình dung hơn, bài viết sẽ liệt kê những công việc cụ thể của giáo viên mầm non:
– Kê bàn ghế, chuẩn bị tiết học
– Dọn dẹp thông thoáng phòng học để đón các bé
– Hướng dẫn các bé thể dục buổi sáng
– Giúp một số bé khó ăn
– Chuẩn bị ăn chiều cho các bé
– Giảng dạy tiết học chính (Các môn học nhằm giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, nhận thức, thẩm mỹ, thể chất và tình cảm xã hội)
– Giúp đỡ các bé vệ sinh tay chân sạch sẽ trước bữa ăn
– Khi kết thúc giờ học sáng, các cô sẽ thay phiên nhau trực giờ ngủ trưa của các bé
– Trước khi các bé ra về, vệ sinh sạch sẽ, thu dọn đồ đạc cá nhân của các cháu vào balo
3. Cơ hội việc làm của ngành Giáo dục mầm non
Ngày nay, ngoài những cơ sở giáo dục Mầm non công lập, các bạn sinh viên cũng có thể làm việc ở các cơ sở tư nhân và quốc tế. Vì thế cơ hội việc làm trong ngành rất phong phú. Sau khi tốt nghiệp bạn có thể đảm nhận các vị trí:
– Làm giáo viên mầm non ở các trường công lập, trường tư thục hoặc trường quốc tế
– Làm cán bộ ở hệ thống quản lý và giáo dục của nhà nước
– Làm việc ở những tổ chức phi chính phủ về phát triển giáo dục
– Làm giáo viên mầm non tự do tại nhà học sinh, nếu như bạn đủ điều kiện về kinh tế và kinh nghiệm thì có thể tự mình mở trường học
– Làm nghiên cứu tại những viện nghiên cứu giáo dục trên khắp cả nước.
4. Thu nhập của ngành Giáo dục mầm non có cao không?
Mức lương của ngành Giáo dục mầm non thường dao động từ 5 đến 7 triệu đồng mỗi tháng, ngoài ra bạn còn có thêm các khoản phụ cấp khác tùy vào điều kiện từng cơ sở. Nếu như không tham gia giảng dạy mà đảm nhận các vị trí khác trong ngành thì mức lương cũng có sự chênh lệch.
5. Tố chất nào cần có khi học ngành Giáo dục mầm non?
Cùng với sự phát triển của xã hội, ngành giáo dục mầm non cũng được đẩy mạnh và quan tâm hơn bao giờ hết. Vì thế, yêu cầu của một cán bộ trong ngành cũng được nâng cao hơn. Về cơ bản, bạn cần có một số tố chất sau:
– Yêu mến trẻ
Có thể nói đây là tố chất quan trọng nhất của một cô giáo mầm non. Sư phạm mầm non là một ngành rất đặc thù, phải tiếp xúc thường xuyên với trẻ và chăm sóc nhiều mặt cho các bé nên nếu không có tình cảm, bạn rất khó theo đuổi nghề lâu dài được.
– Sự kiên trì và nhẫn nại
Chính sự nhẫn nại sẽ giúp bạn dễ dàng gần gũi với trẻ hơn. Trẻ mầm non là đối tượng mới tiếp xúc với việc học tập nên đôi khi sẽ thấy sợ. Các cô giáo cần nhẫn nại và kiên trì làm quen với các bé, để mỗi ngày bé đến trường là một ngày vui.
Trẻ mầm non còn có đặc điểm là cư xử khá bản năng, thích gì làm đó, muốn được khám phá những cái mới nhưng chưa có được sự logic trong suy nghĩ. Vì thế cô giáo mầm non cần kiềm chế khi trẻ phạm lỗi và dẫn dắt bé đến lối suy nghĩ đúng đắn hơn.
– Tinh thần trách nhiệm
Giáo viên mầm non được ví như người mẹ thứ hai của trẻ vậy, bạn cần có tinh thần trách nhiệm rất cao để đảm đương nhiều việc liên quan đến trẻ. Bạn cũng cần có sự phối hợp với các bộ phận liên quan để tổ chức những chương trình chống bệnh tật, chống suy dinh dưỡng với tinh thần trách nhiệm cao.
6. Những trường nào dạy ngành Giáo dục mầm non?
Nếu bạn cảm thấy Giáo dục mầm non phù hợp với mình thì có thể chọn theo học ở một trong những trường sau:
STT | Tên trường |
Khu vực miền Bắc | |
1 | Đại học Sư phạm Hà Nội |
2 | Đại học Hải Phòng |
3 | Đại học Thủ đô Hà Nội |
4 | Đại học Sư phạm Hà Nội 2 |
Khu vực miền Trung | |
1 | Đại học Hà Tĩnh |
2 | Đại học Quảng Bình |
3 | Đại học Quảng Nam |
4 | |
5 | Đại học Sư phạm – Đại học Huế |
6 | Đại học Vinh |
7 | Đại học Phú Yên |
Khu vực miền Nam | |
1 | Đại học Đồng Nai |
2 | Đại học Sư phạm TP. HCM |
3 | Đại học Quốc tế Hồng Bàng |
4 | Đại học Sài Gòn |
5 | Đại học An Giang |
6 | Đại học Thủ Dầu Một |
7 | Đại học Trà Vinh |
8 | Đại học Đồng Tháp |
Xem thêm điểm chuẩn ngành Giáo dục mầm non năm 2021 TẠI ĐÂY
Trên đây là những thông tin cần thiết về ngành Giáo dục mầm non. Hy vọng sau khi đọc xong bài viết này bạn sẽ có cho mình sự lựa chọn tốt nhất!
Nếu bạn vẫn còn thắc mắc về các ngành, các trường đại học và phân vân không biết chọn ngành nghề gì. Hướng nghiệp sẽ giúp các bạn định hướng chọn ngành, chọn trường chuẩn xác ngay tại buổi trò chuyện cùng thầy Vũ Khắc Ngọc TẠI ĐÂY nhé.