Image Image Image Image Image Image Image Image Image Image
Danh mục
x

huongnghiep.hocmai.vn | January 6, 2025

Scroll to top

Top

[Video] Tư vấn tuyển sinh 2022: Đại học Sư phạm Hà Nội

Tối ngày 28/03, chương trình Tư vấn tuyển sinh “Chọn chuẩn trường – Đi chuẩn đường” do Cổng tư vấn Tuyển sinh và Hướng nghiệp tổ chức tiếp tục diễn ra với trường tiếp theo là Đại học Sư phạm Hà Nội.

1. Thông tin tuyển sinh

Về phương thức tuyển sinh: ĐH Sư phạm Hà Nội duy trì 4 phương thức tuyển sinh như năm trước và bổ sung thêm phương thức xét tuyển bằng bài thi Đánh giá năng lực do ĐHSP Hà Nội tổ chức. Xem chi tiết

Chia sẻ thêm về kỳ thi Đánh giá năng lực của trường, TS. Trần Bá Trình – Phó trưởng phòng Đào tạo ĐHSPHN cho biết, các thí sinh không nhất thiết tham gia cả 8 môn thi. Mỗi ngành đào tạo chỉ xét điểm 2 môn thi (trong đó 1 môn nhân hệ số 2), do đó nếu em chỉ xét tuyển vào 1 ngành thì chỉ cần thi 2 môn mà thôi. Chi tiết về kỳ thi

Ngoài ra, kỳ thi Đánh giá năng lực sẽ chỉ tóm gọn trong 1 ngày duy nhất, giúp thí sinh tiết kiệm thời gian ôn tập, thi cử.

Về chỉ tiêu tuyển sinh: Việc giảm chỉ tiêu phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT cần có lộ trình, do đó chỉ tiêu cho phương thức này vẫn rất cao, khoảng 30-40% tổng chỉ tiêu. Chỉ tiêu cho phương thức xét kết quả thi Đánh giá năng lực dự kiến là 20%, nếu xét tuyển không đủ chỉ tiêu sẽ chuyển cho các phương thức còn lại.

Về chương trình đào tạo: Năm nay trường dự kiến tuyển sinh thêm ngành Ngôn ngữ Trung Quốc, đầu ra thí sinh có thể đảm nhận các công việc như biên, phiên dịch tại các đại sứ quán, cơ sở dịch thuật, công chứng hay các công việc khác liên quan tới ngôn ngữ Trung Quốc,…

Năm 2022, ĐHSP Hà Nội tuyển sinh 41 ngành (trong đó chủ yếu là các ngành đào tạo sư phạm), các ngành mới của trường chủ yếu là ngành ngoài sư phạm nhằm đáp ứng nhu cầu việc làm của xã hội.

2. Chọn ngành nghề

Trước câu hỏi của MC, thầy Trình cũng bật mí một số ngành HOT của truòng trong những năm qua:

Với các ngành Sư phạm truyền thống: ngành Sư phạm Toán họcSư phạm Ngữ VănSư phạm Tiếng Anh vẫn luôn là những ngành được đông đảo thí sinh lựa chọn bởi đây là những môn học bắt buộc trên ghế nhà trường, số tiết học nhiều hơn cả so với các môn khác, do đó chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên các môn này thường rất cao.

Ngành Giáo dục Mầm nonGiáo dục mầm non – SP Tiếng AnhGiáo dục tiểu học: nhu cầu tuyển dụng giáo viên mầm non, tiểu học tại các trường tư thục luôn ở mức cao.

Các ngành cử nhân sư phạm giảng dạy bằng tiếng Anh: Nhà nước hiện nay đang khuyến khích dạy các môn THPT bằng tiếng Anh nhằm nâng cao khả năng ngoại ngữ của học sinh, gia tăng nhu cầu về giáo viên có khả năng giảng dạy các môn bằng tiếng Anh.

TS. Hoàng Kim Huệ – Giảng viên khoa Quản lí Giáo dục ĐHSPHN nhắn nhủ với các em thí sinh đang bước vào giai đoạn chọn ngành, chọn trường: “Theo nghiên cứu của Holland, việc chọn được nghề nghiệp phù hợp với sở thích sẽ gia tăng sự thỏa mãn của người đó trong công việc. Do đó, các em nên chọn ngành nghề phù hợp với sở thích, tính cách của bản thân, xem xét yếu tố năng lực. Ngoài ra, các em cũng nên tìm hiểu xu hướng phát triển của nghề nghiệp trong tương lai, tại môi trường làm việc em mong muốn để có định hướng phù hợp.”

Đặc biệt, khi theo học tại ĐH Sư Phạm Hà Nội, sinh viên được tham gia các tổ chức đoàn, câu lạc bộ để phát triển bản thân, trưởng thành hơn. Hiện này, HNUE đang sở hữu 14 CLB đa dạng ở các lĩnh vực như chuyên môn (CLB nghiệp vụ sư phạm, CLB tiếng Anh…), sở thích (CLC võ thuật, CLB kịch sân khấu…), nghệ thuật, truyền thông…

TS. Bùi Thị Hà Giang – Phó Bí thư Đoàn trường cho biết, cơ sở vật chất của trường vô cùng đầy đủ, tạo điều kiện tối đa cho sinh viên trong quá trình học như: phòng học, wifi, điều hòa, phòng thí nghiệm hiện đại (phòng thí nghiệm nano, PTN vi sinh, đài quan sát thiên văn của khoa Vật lý,…), thư viện với đầy đủ học liệu, sân vận động cho các hoạt động thể dục thể thao, ký túc xá với sức chứa 2.800 sinh viên (các em có thể tra cứu thông tin trên kytucxa.hnue.edu.vn)…

3. Hỏi – Đáp

Trong thời lượng của chương trình, các thầy cô của ĐH Sư phạm Hà Nội cũng trực tiếp giải đáp các thắc mắc do học sinh gửi về.

(1) Em đã làm đề minh họa Đánh giá năng lực của trường, tuy nhiên có một số điểm khác so với đề tốt nghiệp THPT. Thầy cô có thể cho em lời khuyên cách định hướng ôn tập (nhất là môn Toán, Văn) và trường có đưa ra hướng dẫn làm bài thi để học sinh phân tích, tham khảo cách trình bày phần tự luôn không ạ?

Giải đáp cho câu hỏi này, thầy Trình cho biết, nội dung ôn tập bài thi Đánh giá năng lực về cơ bản sẽ không khác biệt so với kỳ thi Tốt nghiệp THPT, cấu trúc đề thi có điểm khác nhưng sẽ không quá nhiều.

Ví dụ ở bài thi môn Văn, phần tự luận vẫn chiếm tới 70%, ngoài ra có 30% câu trắc nghiệm về ngôn ngữ đều là những kiến thức các em được học xuyên suốt chương trình học môn Ngữ Văn.

Các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa Lý, nhiều năm qua các em đã quen với việc thi bằng hình thức trắc nghiệm. Với đề ĐGNL, phần trắc nghiệm vẫn chiếm tới 70%. Với đặc thù ngành học liên quan tới sư phạm, trường bổ sung phần tự luận nhằm đánh giá năng lực trình bày, suy luận của thí sinh, tạo cơ hội để các em thể hiện năng lực trình bày, tư duy.

Việc ôn tập cho kỳ thi vẫn tương tự, các em không cần dành thời gian ôn tập quá nhiều. Chỉ cần trong quá trình học, các em lưu ý hiểu đúng bản chất các khái niệm, định lý, cố gắng suy luận, trình bày những suy luận đó ra giấy (dù là bài trắc nghiệm); vận dụng các quy luật, công thức để giải bài tập, làm quen với việc tư duy logic giúp các em dễ dàng hoàn thành được những bài tự luận trong đề thi, thầy Trình nhấn mạnh.

ĐH Sư phạm HN cũng chủ trương không công bố hướng dẫn giải đề Đánh giá năng lực, tránh việc các lớp luyện thi mọc lên tạo áp lực cho thí sinh, gây bất công bằng với các bạn có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng sâu vùng xa không có điều kiện học tập.

(2) Nếu em đăng ký xét tuyển bằng điểm bài thi Đánh giá năng lực thì có thể đăng ký bằng phương thức khác nữa không?

Việc đa dạng các phương thức tuyển sinh nhằm giúp các em gia tăng cơ hội xét tuyển, do đó các em hoàn toàn có thể xét tuyển bằng nhiều phương thức khác nhau vào trường.

(3) Sinh viên Sư phạm Ngữ Văn có thể tham gia các câu lạc bộ (CLB) nào để phát triển các kỹ năng chuyên môn? Sinh viên năm 3 sẽ được định hướng thực tập như thế nào?

Cô Giang giải đáp, các khoa Văn, Sử, Địa,… của trường đều có các CLB chuyên môn, nguyên cứu khoa học đặc trưng của từng khoa, ngoài ra còn có các phòng rèn luyện nghiệp vụ sư phạm dành cho sinh viên.

Trong quá trình học tập tại trường, sinh viên có 2 giai đoạn rèn luyện nghiệp vụ của mình. Giai đoạn đầu là rèn luyện tại trường, sinh viên được học môn Rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên về các kỹ năng như viết bảng, thuyết trình, sử dụng các phần mềm máy tính phục vụ công việc, các thiết bị dạy học, kỹ năng quản lý lớp học, tư vấn tâm lý cho học sinh, điều hành buổi sinh hoạt lớp.

Giai đoạn sau, sinh viên được thực hành kỹ năng giảng dạy với vai trò chủ nhiệm lớp tại trường THPT. Quá trình thực tập, sinh viên sẽ đi theo đoàn sinh viên, có giảng viên phụ trách đoàn để thực tập vai trò giảng viên bộ môn, chủ nhiệm lớp tại trường phổ thông.

Đặc biệt năm nay, trường triển khai hình thức thực tập mới là thực tập tại địa phương, các em được trở về thực tập tại chính trường phổ thông mình từng theo học. Có thể nói đây là một hình thức hết sức nhân văn.

(4) Sinh viên học ngành Ngôn ngữ Trung Quốc có nhiều cơ hội trao đổi sinh viên, học tập ở nước ngoài không?

Giảng viên khoa tiếng Trung đều là những người từng học tập tại Trung Quốc, kiến thức chuyên môn vững vàng. Trong quá trình học, các em có thể tham gia kỳ thi nói tiếng Trung do trường tổ chức. Hiện tại, trường chưa có chương trình trao đổi sinh viên cho ngành học này, nhưng sẽ triển khai trong tương lai gần.

(5) Em đam mê với các môn phát triển khả năng tư duy logic, học tốt các môn Toán, Lý, tuy nhiên em tương đối trầm tính, ngại giao tiếp thì có hợp với ngành Sư phạm không?

TS Trình đưa ra lời khuyên: “Với khả năng tư duy logic của mình, em khá phù hợp với những ngành khoa học tự nhiên. Tính cách của em có thể không hợp với ngành sư phạm, nhưng em có thể lựa chọn học chương trình cử nhân Toán, cử nhân Hóa, cử nhân Sinh,… và tham gia nghiên cứu, học các học phần chuyên sâu để thỏa mãn niềm đam mê của mình.”

(6) Trường bắt đầu tuyển sinh bằng phương thức xét tuyển thẳng vào thời gian nào?

Phương thức tuyển sinh bằng bài thi Đánh giá năng lực xét đầu tiên. Sau khi đã công bố kết quả phương thức này, HNUE mới bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển các phương thức khác. Sau khi xét tuyển bằng phương thức kết hợp bài thi năng khiếu, trường mới tuyển sinh phương thức xét tuyển thẳng (dự kiến là sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT).

(7) Cơ hội việc làm ngành Tâm lý học

Sau khi tốt nghiệp, các em có thể tham vấn, tư vấn tâm lý, nhất là tư vấn tâm lý học đường hay làm việc tại các cơ sở hỗ trợ, trợ giúp về tâm lý tại các cơ sở như bệnh viện, cơ sở khác,…

Xem thêm: Review ngành Tâm lý học – Đại Học Sư Phạm Hà Nội

(8) Em nghĩ ngành Sư phạm Toán học bằng tiếng Anh có cơ hội nghề nghiệp tốt hơn, nhưng điểm tiếng Anh của em ở trường khá thấp, em có nên lựa chọn ngành học này?

Theo học ngành này, em phải giỏi tiếng Anh, điểm chuẩn vào ngành này cũng rất cao nên các em cần cân nhắc kỹ càng.

Nếu em học Sư phạm Toán và năng lực tiếng Anh tốt, em có thể tham gia các lớp bồi dưỡng giáo viên để có thể giảng dạy bằng tiếng Anh.

(9) Thí sinh vùng sâu vùng xa tham gia xét tuyển bằng bài thi Đánh giá năng lực có được cộng điểm không?

Thí sinh vùng sâu vùng xa thuộc đối tượng ưu tiên của Bộ GD&ĐT, em có thể tìm kiếm thông tin cụ thể trên các thông tư của Bộ.

Theo dõi tất tần tật các thông tin tuyển sinh của Đại học Sư phạm Hà Nội TẠI ĐÂY

Tin tức mới nhất