Image Image Image Image Image Image Image Image Image Image
Danh mục
x

huongnghiep.hocmai.vn | December 11, 2024

Scroll to top

Top

Review trường Đại học Bách Khoa ĐHQG TPHCM (HCMUT): Trường kỹ thuật hàng đầu khu vực phía Nam.

Trường Đại học Bách Khoa ĐHQG TPHCM luôn được đánh giá là một trong những cơ sở đào tạo đại học hàng đầu ở Việt Nam trong lĩnh vực kỹ thuật. Trong tương lai, ngôi trường này sẽ càng được củng cố về cơ sở vật chất, phát triển năng lực của đội ngũ giảng viên và chất lượng đào tạo sinh viên, xây dựng môi trường giáo dục Đại học lý tưởng cho các nhân tài của Việt Nam. Hãy cùng Hocmai.vn tìm hiểu chi tiết ngôi trường này trong bài viết dưới đây nhé!

Tìm hiểu trường Đại học Bách Khoa ĐHQG TPHCM

1. Giới thiệu chung về trường

–    Tên trường: Đại học Bách Khoa Đại học Quốc Gia TPHCM, tên tiếng Anh là Ho Chi Minh City University of Technology, viết tắt là HCMUT.

–    Địa chỉ: 268 Lý Thường Kiệt, P.14, Q.10, TP. Hồ Chí Minh

Tiền thân của trường là Trung tâm Kỹ thuật Quốc gia được đổi tên thành Đại học Bách Khoa TPHCM vào năm 1976 với 5 khoa chuyên ngành: Điện – Điện tử, Xây Dựng, Thủy lợi, Hóa học và Cơ khí. Đến năm 1996, Đại học Bách Khoa chính thức trở thành thành viên của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Nhà trường luôn phấn đấu để trở thành cơ sở đào tạo đại học đạt trình độ cao với đa ngành đa lĩnh vực, đồng thời là trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ hàng đầu của khu vực miền Nam nói riêng và của cả nước nói chung. Đội ngũ lãnh đạo nhà trường cũng luôn phấn đấu để đưa đại học Bách Khoa trở thành địa chỉ đáng tin cậy và hấp dẫn đối với những nhà đầu tư phát triển công nghệ và với giới doanh nghiệp trong nước cũng như quốc tế.

Đại học Bách Khoa có đội ngũ cán bộ công nhân viên chức gồm hơn 930 người, trong đó có 9 giáo sư, 103 phó giáo sư, hơn 338 Tiến sĩ, hơn 443 Thạc sĩ và 99 Giảng viên có trình độ đại học. Mỗi giảng viên đều có dày dạn kinh nghiệm, có nhiệt huyết đối với các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Nhà trường cũng đang từng bước nâng cao chất lượng giảng viên để xây dựng một trường đại học vững mạnh, phục vụ đất nước.

2. Cơ sở vật chất

Khuôn viên đại học Bách Khoa ĐHQG TPHCM hiện nay có tổng diện tích 41,23ha với hơn 140 phòng học. Các phòng học được trang bị các thiết bị hiện đại phục vụ cho việc học tập và giảng dạy của thầy và trò nhà trường.

Là cơ sở đào tạo chuyên về kỹ thuật, cơ sở vật chất phục vụ việc học tập và nghiên cứu của nhà trường ngày càng hoàn thiện với 2 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, 6 phòng thí nghiệm trọng điểm của ĐHQG TPHCM, 11 xưởng thực tập và phòng thực hành, 9 trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ.

Đại học Bách Khoa ĐHQG TPHCM cũng lần đầu tiên có Công ty Cổ phần Khoa học Công nghệ Bách Khoa TPHCM, đây là công ty được chuyển đổi từ tổ chức khoa học công nghệ của trường nhằm đẩy mạnh các dịch vụ khoa học công nghệ, hoạt động chuyển giao công nghệ và các hoạt động sản xuất kinh doanh khác.

Thư viện với các trang thiết bị hiện đại

Sinh viên HCMUT có thể đăng ký ở tại Ký túc xá của trường ở địa chỉ 497 Hòa Hảo, P.7, Q.10, cách cơ sở Lý Thường Kiệt chỉ hơn 1km. Đây là một trong các ký túc xá sinh viên an toàn, chất lượng và hiện đại bậc nhất của các trường đại học ở TPHCM hiện nay. 

Ký túc xá

Ký túc xá có 2 loại phòng: phòng thường rộng 43m2 cho 8 sinh viên có đầy đủ giường, ghế, bàn học, tủ đồ riêng, phòng tắm và vệ sinh rộng rãi thoáng mát, sinh viên có thể đăng ký dịch vụ trang bị tủ lạnh và máy giặt, giá thuê là 360.000 đồng/ sinh viên. Loại thứ hai là phòng dịch vụ dành cho 6 sinh viên. Bên cạnh những tiện ích của phòng thường, phòng dịch vụ sẽ có máy lạnh và dịch vụ vệ sinh phòng ở, chi phí là 1.000.000 đồng/sinh viên.

3. Các ngành học và cơ hội việc làm cho sinh viên Đại học Bách Khoa ĐHQG TPHCM khi ra trường

Xem thêm: Điểm chuẩn Đại học Bách Khoa ĐHQG TPHCM

Hiện nay, đại học Bách Khoa ĐHQG TPHCM đào tạo các ngành khác nhau, chủ yếu thiên về lĩnh vực kỹ thuật với chất lượng đào tạo đã được kiểm chứng qua nhiều năm. Những ngành đào tạo của trường là:

STT Tên ngành
1 Khoa học Máy tính
2 Kỹ thuật Máy tính
3 Kỹ thuật Điện
4 Kỹ thuật Điện tử – Viễn thông
5 Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa
6 Kỹ thuật Cơ khí
7 Kỹ thuật Dệt
8 Công nghệ May
9 Kỹ thuật Hóa học
10 Công nghệ Thực phẩm
11 Công nghệ Sinh học
12 Xây Dựng
13 Kỹ thuật Địa chất
14 Kỹ thuật Dầu khí
15 Quản lý công nghiệp
16 Kỹ thuật Môi trường
17 Quản lý Tài nguyên và Môi trường
18 Kỹ thuật Hệ thống Công nghiệp
19 Logistics và Quản lý chuỗi Cung Ứng
20 Kỹ thuật Vật liệu
21 Cơ kỹ thuật
22 Kỹ Thuật Nhiệt (Nhiệt lạnh)
23 Bảo dưỡng Công nghiệp
24 Kỹ thuật Ô tô
25 Kỹ thuật Tàu thủy
26 Kỹ thuật Hàng không
27 Kỹ thuật Điện – Điện tử
28 Chuyên ngành Kỹ thuật RoBot
29 Kỹ thuật Công trình xây dựng
30 Công trình giao thông
31 Kiến trúc cảnh quan
32 Vật lý kỹ thuật (chuyên ngành Kỹ Thuật Y Sinh)

Thực tế, sinh viên tốt nghiệp tại HCMUT luôn được trang bị đầy đủ các kiến thức và kỹ năng chuyên môn để có thể làm việc ở đúng định hướng ngành của mình hoặc các ngành có liên quan khác. Cơ hội việc làm cho các bạn là vô cùng rộng mở. Các doanh nghiệp luôn ưu ái với những cử nhân hoặc kỹ sư tốt nghiệp từ Bách Khoa với mức lương vô cùng hấp dẫn. Hàng năm, có rất nhiều doanh nghiệp trực tiếp đến trường để tuyển dụng các bạn mới tốt nghiệp hoặc thậm chí vẫn còn đang ngồi trên ghế nhà trường.

Bên cạnh đó, trường Đại học Bách Khoa cũng là nơi đào tạo các kiến thức liên ngành, các kỹ năng cần thiết để sinh viên có thể tự mình trau dồi thêm kiến thức mới. Vì thế, các bạn hoàn toàn có đủ năng lực và phẩm chất để theo đuổi một ngành nghề khác với ngành học.

Đại học bách Khoa cũng đi đầu trong các trường đại học ở Việt Nam hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp. Trường luôn tạo môi trường sáng tạo và hỗ trợ các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong cộng đồng sinh viên và cán bộ của nhà trường nói riêng và cho cả nhưng sinh viên và thanh niên của TPHCM nói chung.

4. Đời sống sinh viên đại học Bách Khoa

Sinh viên trúng tuyển vào HCMUT không chỉ là những người có điểm thi đại ọc cao mà còn có niềm đam mê và nghị lực quyết tâm với lựa chọn của mình. Ngoài giờ học tập như một lẽ tự nhiên, sinh viên bách khoa luôn hết mình tham gia các hoạt động ngoại khóa và vui chơi. Vì thế, nhà trường luôn tạo điều kiện để sinh viên phát huy tất cả những khả năng của mình như các hoạt động văn nghệ, CLB, đội nhóm, thể thao, ngoại ngữ, đọc sách giải trí trong thư viện, hoạt động tình nguyện,…

Nhà trường luôn tạo điều kiện cho sinh viên học hết mình chơi hết nấc

Ngoài ra, trong suốt năm học, sinh viên Bách Khoa luôn có cơ hội tiếp xúc với các doanh nghiệp qua ngày hội việc làm được tổ chức hàng năm, các hội thảo về kỹ năng mềm, khoa học công nghệ,….để sinh viên học thêm kiến thức mới và đáp ứng yêu cầu công việc sau này.

5. Học phí của Đại học Bách Khoa ĐHQG TPHCM bao nhiêu?

Tùy vào từng chương trình đào tạo và ngành mà mức học phí sẽ khác nhau. Chương trình chuẩn học phí là 24 triệu VNĐ/ năm, học phí tín chỉ vượt định mức là 740.000 VNĐ/ Tín chỉ, học phí tín chỉ học dự thính là 800.000 VNĐ/Tín chỉ.

Với Chương trình Chất lượng cao,  Chương trình tiên tiến, chương trình liên kết quốc tế và chuyển tiếp quốc tế  là 66 triệu đồng/ năm; học phí tín chỉ vượt định mức là 2.035.000 VNĐ/TC.

Chương trình Chất lượng cao tăng cường tiếng Nhật là 50 triệu VNĐ/ Năm, học phí tín chỉ vượt định mức là 845.000 VNĐ/ Tín chỉ.

Ngoài ra, các mức học phí trên cũng sẽ thay đổi theo từng năm. Các bạn có thể tìm hiểu chi tiết trên trang web của nhà trường nhé.

6. Các cựu sinh viên ưu tú của đại học bách Khoa ĐHQG TPHCM

Với bề dày đào tạo, đại học Bách Khoa ĐHQG TPHCM đã đóng góp cho đất nước nhiều thế hệ nhân tài. Những cựu sinh viên ưu tú của trường có thể kể đến là:

–    TS. Trần Quý Thanh, sinh viên k-1973 Khoa cơ khí, chủ tịch HĐQT công ty Tân Hiệp Phát.

–    Ông Trần Minh văn, sinh viên k-1976 khoa cơ khí, Phó Tổng GĐ Cty Vinamilk

–    PGS.TS Hồ Thanh Phong, sinh viên k-1978 khoa cơ khí, Hiệu trưởng trường Đại học Quốc Tế, ĐHQG TPHCM

–    Ông Hoàng Cao Trí, sinh viên k-1982 khoa Cơ khí, PTGĐ Cty TNHH Thực Phẩm VINA ACECOOK

–    Ông Trần Bá Dương, sinh viên k-1978 khoa Cơ khí, GĐ Cty TNHH ôtô Trường Hải (THACO)

–    Đ/C Lâm Du Sơn, sinh viên k-1973 khoa Điện – Điện tử, PTGĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam

–    Ông Nguyễn Châu Kỳ, sinh viên k-1975 khoa Điện – Điện tử, Giám đốc Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM

–    PGS.TS Phan Thanh Bình, sinh viên k-1980 khoa Kỹ thuật Hóa học, Giám đốc ĐHQG TPHCM

–    Đ/C Trương Hòa Bình, sinh viên k-1977 khoa Xây Dựng, Chánh án Tòa án Nhân Dân tối cao

–    Anh Nguyễn Hải Ninh, sinh viên k-2006 khoa Hóa thực phẩm, đồng sáng lập chuỗi đồ uống Urban Station

Mỗi cựu sinh viên Bách Khoa đều mang trong mình hoài bão khát vọng thành công riêng và góp phần làm dài thêm danh sách vẻ vang ngày qua từng năm.

Trên đây là bài review trường Đại học Bách Khoa ĐHQG TPHCM. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp các bạn hiểu thêm về ngôi trường này và đưa ra quyết định lựa chọn nơi bắt đầu cho tương lai của mình. Chúc các bạn học tập tốt và vững bước tương lai.

Tin tức mới nhất